Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” đã qua gần nửa tháng nay, nhưng những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo được dư luận quan tâm, trao đổi. Mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trả lời báo chí về các nội dung liên quan phát triển kinh tế biển, du lịch, cảng và các khu công nghiệp theo chiều hướng liên kết khu vực 7 tỉnh duyên hải miền Trung. Những ý kiến của Tiến sĩ Trần Đình Thiên có một cách nhìn khác về cách thức phát triển kinh tế khu vực cần được trao đổi, nghiên cứu.
Đối với hợp tác “kinh tế hướng biển”, TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Vùng biển duyên hải miền Trung là vùng biển rộng và hợp tác của 7 tỉnh chưa có tính chất biển xa. Trước mắt, nên ưu tiên hợp tác phát triển du lịch dọc biển. Đây là lĩnh vực mà mỗi tỉnh đã có nền tảng, tiềm lực nhất định, nên sẽ mang tính khả thi cao... Du lịch duyên hải miền Trung nên theo định hướng du lịch đẳng cấp cao “tốn ít tài nguyên mà doanh thu cao”. Tư duy về du lịch hiện nay của vùng duyên hải miền Trung chỉ dừng ở số lượng khách đến một cách thông thường. Cần thay đổi tư duy về du lịch, phải là du lịch đẳng cấp cao thì mới xứng tầm với đẳng cấp biển đẹp Thế giới của miền Trung. Gắn liền với du lịch đẳng cấp cao phải là dịch vụ chất lượng cao, trong đó phải kể đến một ngành dịch vụ chất lượng cao đem lại nguồn doanh thu lớn đó là y tế, là du lịch - chữa bệnh - dưỡng sinh đẳng cấp cao...
Bên cạnh đó cần kết nối với Tây Nguyên để phát huy lợi thế rừng - biển - đảo trong du lịch...”. Theo ông Trần Đình Thiên: “Miền Trung không nên phát triển cảng công nghiệp nặng với sản lượng vận tải nhiều triệu tấn, mà cần phát triển cảng biển theo hướng phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Cảng công nghệ cao là cảng được chia theo chức năng, gắn liền với những đô thị cảng lớn, hiện đại, văn minh. Riêng đối với Đà Nẵng, nên chia chức năng cho những cảng khác ở các tỉnh lân cận, để cảng Tiên Sa Đà Nẵng tập trung vào chức năng công nghệ du lịch cao. Cảng sản lượng cao (công suất nhiều triệu tấn/năm) đang là mong mỏi của nhiều người, nhất là những người theo “chủ nghĩa thành tích” kiểu cũ... Cảng nhiều triệu tấn là cảng xuất hàng thô, cảng bán tài nguyên hay các sản phẩm công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp.
Về tình trạng cạnh tranh, thiếu liên kết trong kinh doanh du lịch hay tổ chức các lễ hội, Tiến sĩ Trần Đình Thiên một mặt kêu gọi “tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch dọc biển. Trong đó, mỗi địa phương cần tạo ra những sản phẩm du lịch đủ phong phú, đồng thời có sự khác biệt cho sản phẩm du lịch của mình, tránh sự cạnh tranh đơn thuần về giá giữa các sản phẩm cùng loại, cùng đẳng cấp. Tất cả những cái đó sẽ biến toàn bộ duyên hải miền Trung thành một trung tâm du lịch lớn, có đẳng cấp cao”.
Ông gợi ý cách làm du lịch ở Sa Pa. “Sa Pa đã làm được là đưa khách du lịch quốc tế tiếp cận với văn hóa địa phương một cách trực tiếp, mang đến sự gần gũi nhất có thể giữa khách du lịch và đời sống nhân dân địa phương trong vùng... “Vì sao Sa Pa hấp dẫn như vậy? Đơn giản vì khách du lịch được sống, được tận hưởng cuộc sống của những người dân bản địa, được nắm tay người Dao, được thổi kèn tỏ tình của người H’mông. Đơn giản, nhưng không dễ làm nếu không có tư duy chiến lược, nếu không đủ tầm nhìn văn hóa...”, ông Thiên nhấn mạnh.
Riêng các khu inh tế mà hiện nay tỉnh, thành nào cũng có theo xu hướng “hằm bà làng” để lấp đầy diện tích và bất kể công nghệ như thế nào, ông Thiên nói: “ Miền Trung còn nghèo, nguồn lực ít, xé lẻ phát triển thì không tiến vượt lên được. Cần có “trọng tâm”, “trọng điểm”, phân bổ chức năng rõ hơn. Mà điều này thì cần đến một quy hoạch vùng thống nhất chứ không thể dựa vào tình trạng “cát cứ địa phương” như hiện nay mà có được”. “Điều kiện tiên quyết để khu kinh tế ven biển phát huy được thế mạnh mở cửa - hội nhập là nó phải có hệ thống thể chế với các ưu điểm vượt trội - tính hiện đại và trình độ văn minh. Đó phải là những khu kinh tế vận hành theo thể chế quốc tế hiện đại. Nếu không như vậy thì các khu đó, như thực tế cho thấy, chỉ mời gọi được những chú cò con thôi; sẽ không thể mời gọi được những tập đoàn mạnh, trình độ công nghệ cao. Hãy học kinh nghiệm của Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) - xây dựng từ đầu những mẫu hình thuộc đẳng cấp phát triển cao nhất thế giới...”.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG