.

Trước vận mệnh giang sơn, đất nước

Hiếm có mùa thi đại học - cao đẳng nào mà Tổ quốc lại đồng hành cùng sĩ tử nhiều đến thế trong từng đề thi - tức là những người ra đề hiểu rất rõ tấm lòng, tâm huyết, máu thịt của hàng triệu trái tim trẻ trung trước vận mệnh của giang sơn, đất nước...

Từ bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Chữ người tử tù, Câu mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập trong đề thi môn Văn; Trình bày ảnh hưởng của Biển Đông đến khí hậu nước ta/ Chứng minh rằng Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều thuận lợi về tự nhiên đối với phát triển kinh tế. Từ Hãy kể tên hai quần đảo xa bờ ở vùng này.../ Hệ thống đảo và quần đảo ở nước ta có vai trò như thế nào trong sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển trong đề thi môn Địa lý đến Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành/ Chiến thắng nào là quyết định việc “đánh cho Mỹ cút” trong đề thi môn Lịch sử...; tất cả đều hướng về một đích duy nhất là làm sao để phát huy đến mức cao nhất sức mạnh nội lực, truyền thống, tạo nên sự cộng hưởng vô bờ bến nhằm bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do của Tổ quốc Việt Nam.

Là một thầy giáo dạy sử, người viết bài này thật vui và xúc động khi thấy học trò rời phòng thi (khối C - D) với những gương mặt hồ hởi vì làm được bài, vì “trúng tủ”. Trúng tủ chỉ là một cách nói thôi chứ thật ra, những thí sinh nào thời gian qua quan tâm về Biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa thì đều có đủ tinh thần và không ít kiến thức để viết nên những câu văn, bài phân tích hay nhất về độc lập, chủ quyền, về những sự hy sinh trực tiếp của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hay sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ đối với chồng con mình đang ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Chẳng hạn, trong đề thi môn Văn, các thầy giáo chọn đề đã yêu cầu phân tích một đoạn thơ, trong đó có những câu thật giàu ý nghĩa: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu thương nhau góp nên hòn Trống Mái/ Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương...

Có thể nói rằng, từ “giỏ” đề thi đại học năm nay, dường như những tín hiệu thay đổi tốt lành đã bắt đầu đến từ Bộ Giáo dục-Đào tạo. Bất kể chương trình nào (giáo dục nhất thiết phải đi đầu, khai phá) muốn có hiệu quả cao nhất đều là kết quả tất nhiên, tự nhiên giữa sự đồng cảm của trái tim, khối óc với những nhu cầu cấp thiết, gần gũi từ đời sống. Sở dĩ rất nhiều môn học, môn thi của ta lâu nay không lôi cuốn được sự đam mê, ham thích của học sinh là bởi sự khô cứng, vụng về. Cuộc sống luôn uyển chuyển trong những biến dịch mạnh mẽ của nó. Nếu người dạy (ra đề) cùng một nhịp đập, nhịp sống với người học (người thi) thì sự hưng phấn và thành công sẽ đạt được những hiệu ứng kép đầy khích lệ. Tất nhiên, trong các môn học, những môn khoa học xã hội có yêu cầu gần như bắt buộc là chúng phải gắn liền với trạng thái văn hóa - tinh thần - cốt cách của xã hội. Đây là điều gần như quyết định để kiến thức đi từ cuộc đời và trở lại với cuộc đời bằng sự tận tâm, nỗ lực, bằng sự sáng trong hơn về đạo đức, ý nghĩa sống...

Cả dân tộc đang trầm mình thao thức, trăn trở với những Vọng Phu. Biển trời, đảo sóng chưa bao giờ vẫy gọi lòng người thiết tha và mãnh liệt đến thế. Chợt nhớ những câu thơ của Việt Phương: Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng/ Bay trên biển như bồ câu trên đất/ Biển dư sức và người không biết mệt/ Con thuyền đi mặt sóng lại cày bừa... Phải, Biển Đông - Tổ quốc đã, đang và mãi sẽ cùng mỗi người dân Việt vượt qua tất cả thách thức, khó khăn để toàn vẹn, nguyên đầy.

Hà Văn Thịnh
;
.
.
.
.
.