.

An dân thời “bão giá”

Nghị quyết bổ sung đối với giải pháp về thuế của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân đang được dư luận hoan nghênh, nhất là trong lúc bộn bề nỗi lo của thời “bão giá”.

Người dân vui mừng vì Quốc hội, Chính phủ có những động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân. Từ ngày 1-8 đến 31-12-2011, người nộp thuế có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng mà thu nhập từ tiền công, tiền lương và từ kinh doanh sẽ miễn thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người có một người phụ thuộc, có thu nhập dưới 10,6 triệu đồng/tháng (mức giảm trừ 1,6 triệu đồng/người) sẽ được miễn thuế. Người có hai người phụ thuộc, thu nhập dưới 12,2 triệu đồng/tháng cũng được miễn thuế... Dù con số ước tính 250.000 đồng/tháng được miễn thuế tối đa không phải là nhiều nhưng tất cả những thông tin này cũng đủ làm ấm lòng hàng triệu triệu người khi phải chật vật đối mặt với giá cả leo thang mỗi ngày.

Cách đây khoảng một năm, tại các diễn đàn, không ít sinh viên lúc tốt nghiệp đại học ở nhiều trường trên cả nước đã bày tỏ mong muốn tìm được công việc có mức thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nếu hết sức tiết kiệm thì mức 4-5 triệu đồng chỉ vừa đủ cho một người đơn thân sống ở các thành phố lớn. Và nếu đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức này thì người lao động sẽ gặp khó khăn khi trang trải cuộc sống. 

Song, thông tin về miễn, giảm thuế trong 5 tháng chưa mang lại niềm vui trọn vẹn thì việc giá vàng lại “nhảy múa” tiếp tục dấy lên những nỗi lo khác. Đó là nỗi lo lương chưa tăng, thuế mới được giảm thì giá cả đã tăng vọt. Những bữa ăn hằng ngày rồi cũng sẽ được tính toán chặt chẽ hơn. Cuộc sống của những người nghèo vẫn là bài toán nan giải. Vì thế, nếu Chính phủ không có những giải pháp kịp thời hơn nữa thì chuyện miễn, giảm thuế trong 5 tháng vô hình trung chỉ là muối bỏ bể, chứ chưa thật sự mang hiệu quả an dân thời “bão giá”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trong 5 năm (2011-2015) là chính sách an sinh xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đưa đất nước phát triển bền vững. Nhưng bài toán lạm phát của Việt Nam đang ở mức cao thứ hai của thế giới, sau Venezuela, thì chính sách an sinh xã hội là công việc khó khăn của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu; điều chỉnh hệ số lương trong hệ thống thang, bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; hằng năm Nhà nước đều tăng ngân sách để chi lương. Song, theo một lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của thành phố Đà Nẵng, tiền lương đến nay vẫn chưa thực sự trở thành động lực nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả của nền hành chính và là nguyên nhân của tình trạng “chân trong, chân ngoài”, “chảy máu chất xám”, tham nhũng... cùng bao hệ lụy khác. Theo đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phụ thuộc chủ yếu vào tiền lương gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với đối tượng xã hội hưởng chế độ, chính sách mà tiền lương tối thiểu làm cơ sở tính toán. Đây là một trong những vật cản lớn trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện an sinh xã hội của đất nước.

Giữa thời “bão giá”, dù Quốc hội, Chính phủ nỗ lực lắng nghe và tìm giải pháp an dân, nhưng vẫn còn đó những tiếng thở dài. Con số 3 triệu hộ nghèo trên cả nước rồi sẽ tiếp tục tăng nên không những cần có những giải pháp trước mắt mà còn cần có biện pháp căn cơ, đi từ gốc rễ, cụ thể là phải đánh giá lại tổng thể bộ máy điều hành kinh tế - xã hội, kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.