.

Cần số lượng hay chất lượng?

Đến năm 2015, cả nước sẽ có 100% giảng viên trường đại học sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% tiến sĩ. Đến năm 2050 có ít nhất 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ. Những con số được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm vào cuối tuần qua làm dấy lên sự lạc quan về bức tranh chất lượng giảng viên ở các trường sư phạm trong tương lai nhưng cũng tạo ra sức ép nhất định.

Mục tiêu chung đặt ra là phát triển ngành Sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2011-2020… Vì vậy, việc nâng cao chất lượng của các trường sư phạm là cần thiết, để tối thiểu phải là thạc sĩ dạy cử nhân tương lai, nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên hội đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng sư phạm, góp phần vào chặng đường đổi mới và cải thiện chất lượng của giáo dục Việt Nam. 

Tuy nhiên, trong lúc nền giáo dục nước ta đứng trước rất nhiều thách thức và yêu cầu đổi mới, việc đặt ra những chỉ tiêu và con số về tiến sĩ, thạc sĩ vô hình trung tạo ra những cuộc đua về số lượng. Theo đó, trong 4 năm nữa, đối với giảng viên các trường sư phạm thì sẽ ít nhất là “người người thạc sĩ, nhà nhà thạc sĩ”. Hiện nay, cả nước có 4.400 giảng viên các trường đại học sư phạm, trong đó giáo sư chiếm 18%, phó giáo sư 5%, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học là 12,84%,  thạc sĩ là 46,5%. Như vậy, trong 4 năm tới, tỷ lệ này phải được làm tròn trịa thành 100%, từ con số 82,34% (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ) hiện nay.

Trong lúc đó, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phát động việc học thật - thi thật để chống bệnh thành tích, để giáo dục đi vào thực chất. Vậy thì chỉ tiêu 100% giảng viên các trường sư phạm đạt trình độ thạc sĩ đến năm 2015 là tốc độ khá nhanh. Thay vào đó, cấp thiết hơn lại là vấn đề phát triển bền vững trong giáo dục, đào tạo ngành Sư phạm; làm sao trang bị cho các thầy cô giáo tương lai đầy đủ hành trang, bao gồm kiến thức, kỹ năng nắm bắt tâm lý lứa tuổi và kỹ năng xử lý tình huống; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục mầm non - bậc học quan trọng nhất trong việc hình thành tính cách của một con người.

Một vấn đề cấp thiết nữa là quy mô đào tạo khối ngành Sư phạm tăng nhưng chất lượng không được giám sát. Tình trạng đào tạo giáo viên thừa nhưng lại yếu - nghĩa là thừa về số lượng, yếu về chất lượng - vẫn còn nan giải. Việc đào tạo chỉ xuất phát từ yêu cầu nội tại của các trường, chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế, thành ra cung vượt quá cầu, dẫn đến tình trạng lãng phí tiền bạc cũng như công sức đào tạo và dẫn đến những “ngã rẽ” sang ngành nghề khác. Bài toán về “đầu ra” của ngành Sư phạm thực tế được nhắc đi nhắc lại từ hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Bộ GD-ĐT cứ kêu gọi đổi mới, cải cách giáo dục, nhưng việc này phải được thực hiện ngay từ những cơ sở đào tạo đội ngũ giáo viên. Giải quyết những vấn đề của các trường sư phạm không phải là việc một sớm một chiều, cũng không phải bằng tốc độ hóa và con số hóa 100% giảng viên là thạc sĩ, mà phải thay đổi từ chính cách dạy và học ở những cơ sở này; để từ đó các thầy, cô giáo tương lai hình thành được tư duy mới, phương pháp mới về dạy và học. Số lượng chỉ mới là một phần điều kiện cần, còn chất lượng mới là điều kiện cần và đủ để giải quyết hàng loạt bài toán khó của ngành GD-ĐT.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.