Trong bài “Nỗi lo cầu yếu” đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 6-4-2011, tác giả bài báo đã bày tỏ quan ngại và cảnh báo việc xe ben chở đất nặng đến 22 tấn, 29 tấn… chạy ào ào qua cầu Hòa Xuân trong khi 2 đầu cầu cắm biển báo chỉ cho phép xe có tải trọng 20 tấn qua cầu.
Giật mình, khi ngày 18-8 vừa qua, tổ tuần tra lưu động của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP. Đà Nẵng phát hiện 3 xe ben có trọng tải cho phép là 20 tấn chở quá tải khi qua cầu Hòa Xuân, đã yêu cầu đi cân và kết quả là: xe ben BKS 43C-016.11 nặng 41,41 tấn, xe BKS 43X-2591 nặng 48 tấn và xe BKS 43C-009.27 nặng 48,81 tấn!
Điều đáng nói là trạm kiểm soát có nhiệm vụ ngăn không cho xe quá 20 tấn qua cầu do Công ty Quản lý cầu đường thuộc Sở Giao thông-Vận tải đảm trách. Vậy quá trình thực hiện chức trách đó như thế nào? Các xe ben qua cầu đổ đất san nền cho dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đều được chủ doanh nghiệp đăng ký để người trực gác barrier kiểm soát. Người gác barrier chỉ nhìn bằng mắt, thấy xe đã đăng ký và loại xe dưới 20 tấn thì cho qua cầu, không lưu tâm đến việc xe chở quá tải từ hàng tấn đến vài chục tấn… Còn lực lượng Cảnh sát giao thông thì cho rằng, không có thiết bị để cân xe mà chủ yếu là bằng quan sát trực quan, khi cảm giác thấy xe chở vượt tải rất lớn mới yêu cầu đưa xe đi cân trọng tải, rồi từ đó mới dám ra quyết định xử phạt.
Nghĩa là khi thấy xe ben chở vượt tải hơn gấp đôi như 3 trường hợp trên mới dám yêu cầu xe đi cân trọng tải. Còn nếu chở vượt tải 5 tấn, 10 tấn, thậm chí 15 tấn thì việc yêu cầu lái xe đi cân trọng tải hay không còn phụ thuộc vào cảm giác của cảnh sát giao thông(?). Trong khi đó, các xe ben vốn từ lâu đã nổi tiếng chở quá tải, chạy quá tốc độ cho phép, để đất cát rơi vãi trên đường… gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Dưới con mắt của người dân thường, không quá khó để nhận ra xe chở quá tải khi nhìn thấy ngồn ngộn đất trong thùng xe. Còn với các nhà chuyên môn như người gác barrier và các Cảnh sát giao thông, chả nhẽ việc xe chở quá tải 5 tấn, 10 tấn, hay 15 tấn lại khó nhận ra đến vậy? Hay vẫn biết xe chở quá tải mà làm ngơ?!
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng/xe và tước Giấy phép lái xe 60 ngày đối với 3 trường hợp chở quá tải hơn gấp đôi nói trên. Mức xử phạt này chỉ mới dừng lại xử phạt theo Luật Giao thông đường bộ. Còn hành vi cố ý phá cầu, phá đường và coi thường sinh mệnh của con người trong suốt quãng đường đi của lái xe và chủ đầu tư vì những cái lợi trước mắt thì chưa được đề cập đến. Thật xót xa và đáng thương cho cầu Hòa Xuân, dù chỉ mới được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010, nhưng tròn 1 năm qua, ngoài gánh hàng trăm lượt xe ben chở đất mỗi ngày, còn oằn mình gánh nhiều xe chở đất nặng từ 40 - 50 tấn - gấp từ 2 - 2,5 lần tải trọng cho phép, mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, một xe tải được thiết kế trọng tải 13 tấn nếu được độn nhíp, gia cường khung gầm và chở hàng có tổng trọng tải lên 20 - 30 tấn thì sự tàn phá của nó đối với mặt cầu, kết cấu mặt đường có thể gấp hàng chục lần so với một xe tải có tổng trọng tải thiết kế 50 - 55 tấn nhưng chở đúng trọng tải thiết kế của nhà sản xuất. Theo PGS.TS. Trần Đức Nhiệm (Đại học Giao thông-Vận tải), thì các xe chở quá tải 10%, 20%, 30% và 95% sẽ gây tổn hại đến tuổi thọ của cây cầu tăng lên 1,5; 2,0; 2,7 và 12,42 lần. Thực tế, nếu đứng giữa cầu Hòa Xuân, lúc một chiếc xe ben chở đất vừa chạy lên cầu, lập tức cảm nhận rất rõ cầu đang rung lên, lúc 2 - 3 xe ben cùng chạy ào ào qua cầu thì cầu càng rung mạnh. Mặt khác, việc chở quá tải tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thực tế trong thời gian qua đã gây nên những vụ tai nạn rất thương tâm và kinh hoàng.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao không yêu cầu các chủ đầu tư đặt một trạm cân ở địa điểm phù hợp, thuận lợi và yêu cầu tất cả xe ben chở đất chạy qua. Kinh phí đặt một trạm cân nếu chia ra cho nhiều nhà đầu tư đóng góp là không nhiều và quá nhỏ so với kinh phí phải bỏ ra để sửa chữa đường sá và cầu. Quan trọng hơn, khi trọng tải xe ben chở đất được kiểm soát, sẽ giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông. Dư luận đang chờ sự công tâm và biện pháp khả thi hơn của lực lượng chức năng và nhà quản lý để ngăn chặn hành vi phá cầu, phá đường và gây tai nạn giao thông của các “hung thần” xe ben.
Hoàng Hiệp