.

Dấn thân và đam mê

Sự dấn thân và đam mê là thông điệp mà Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu vừa gửi gắm đến 122 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH, học viện trên địa bàn Hà Nội, và cũng là lời nhắn nhủ với đội ngũ trí thức trẻ của cả nước.

Dấn thân để tìm tòi, khám phá và đam mê để “giữ lửa” khi làm khoa học. Thực tế, yếu tố “2 trong 1” này không thể thiếu trong hầu hết công việc, chứ không riêng lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, sự đam mê vun đắp tình yêu đối với công việc, ngành, nghề, còn dấn thân sẽ thắp sáng hơn ngọn lửa đam mê đó. Cách ví von của GS Ngô Bảo Châu cũng thật sâu sắc khi cho rằng “cội nguồn của đam mê chính là con mắt của tuổi thơ”, nghĩa là giữ được nhãn quan của một đứa trẻ - luôn tò mò, khám phá…

Những thông tin về cuộc gặp gỡ của vị GS đoạt giải Fields danh giá - với các thủ khoa làm dấy lên niềm lạc quan về tương lai của đất nước, bởi nhiều bạn trẻ cũng cháy bỏng khát vọng vươn đến vinh quang như GS Ngô Bảo Châu. Một lần nữa GS lại khơi dậy tinh thần hiếu học, nỗ lực vượt khó, khao khát cống hiến vốn là truyền thống của học sinh Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung.

Trong bối cảnh hội nhập để phát triển, đất nước ta đứng trước cả những cơ hội lẫn thách thức và thế hệ trẻ luôn là niềm kỳ vọng của Đảng, Nhà nước cũng như của các thế hệ đi trước. Rèn luyện cho lớp trẻ bản lĩnh, tri thức, thắp sáng ngọn lửa đam mê là mong mỏi, ước vọng được đề cập đến tại rất nhiều diễn đàn bàn về giáo dục và về người trẻ. Làm thế nào để trí thức trẻ biết biến ước mơ thành hành động và nỗ lực vươn lên lao động, sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của đất nước? Làm thế nào để người trẻ ngày nay nhận thức sâu sắc được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc? Làm sao để giảm thiểu tội phạm trong thanh thiếu niên trước biết bao hệ lụy từ phim, ảnh, Internet và các luồng văn hóa khác trên thế giới? Trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc đào tạo nên những con người vừa hồng, vừa chuyên ra sao? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà các cấp, các ngành liên quan không dễ tìm được lời giải trọn vẹn.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tràn đầy hy vọng vào đội ngũ kế cận khi mỗi năm đều xuất hiện rất nhiều gương mặt thủ khoa tiêu biểu với nghị lực và ý chí phi thường. Các bạn trẻ này đang khẳng định thông điệp mà GS Ngô Bảo Châu vừa chia sẻ: Sự dấn thân và đam mê. Quả thật, nếu không có dấn thân và đam mê thì sẽ không có những tấm gương vượt khó làm lay động hàng triệu triệu trái tim. Xung quanh câu chuyện này, vị GS làm rạng danh nước Việt với giải thưởng Fields cũng chia sẻ rằng: “Khi chúng ta kỳ vọng đạt được điều gì đó, cảm giác thất bại trong quá trình thực hiện là thường xuyên vì để đạt được điều mong muốn phải trải qua nhiều gian nan”.

Còn nhớ tại diễn đàn “Thanh niên sống đẹp vì cộng đồng” được tổ chức ở Đà Nẵng vào năm ngoái với sự tham dự của hơn 300 đại biểu thanh niên 17 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Phan Thị Thu Hiền, sinh viên khoa Giáo dục chính trị - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, đã bày tỏ ước mơ được sống và cống hiến của mình. Cả hội trường đã lắng đọng để cảm nhận nghị lực, khát vọng và tình yêu cuộc sống của Hiền. Giờ đây, cô sinh viên Sư phạm này đã nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã của một nạn nhân chất độc da cam để hoàn thành xuất sắc chương trình đại học trong 3 năm với tấm bằng loại giỏi. Thỉnh thoảng gọi điện thoại cho tôi, Hiền tâm sự về chặng đường đi tìm việc đầy khó khăn: “Em chỉ muốn được làm việc như bao người khác. Nếu được làm việc, em sẽ làm việc hết mình, sẽ sống “cháy mình” như lửa”.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.