.

Đến tận Âu thuyền...

Sáng 16-8, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã kiểm tra thực tế tình hình xử lý ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang nhằm giải quyết rốt ráo tình trạng ô nhiễm ở đây. Sự kiện này được coi là thông điệp khẳng định rằng các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đang và sẽ kiên quyết trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng bằng những nỗ lực cao nhất, những giải pháp tối ưu nhất...

Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về vấn đề đầu tư, xử lý môi trường như Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) của Công ty TNHH KHCN&MT Quốc Việt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương, quyết liệt xử lý nạn ô nhiễm, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể như nâng công suất XLNT lên 10.000m3/ngày đêm; thành phố cho vay bằng vốn ưu đãi 10 tỷ đồng; nhanh chóng bịt tất cả các điểm thải của bất kỳ công ty nào đang xả nước thải ra Âu thuyền - buộc các công ty đó phải chuyển nước thải về nhà máy XLNT; nạo vét 580.000m3 bùn để giảm bớt hôi thối (vét sâu 1m bùn trên toàn bộ diện tích 58ha của Âu thuyền Thọ Quang); lắp đặt các trạm bơm để điều hoà nước trong khu vực Âu thuyền ở mức độ cao nhất; giao cho Công ty Cây xanh trồng thêm nhiều cây xanh để điều tiết khí thải...

Có thể nói rằng “ ô nhiễm môi trường Âu thuyền Thọ Quang” là vấn đề tồn tại dai dẵng lâu nay. Báo chí cứ nói, cơ quan chức năng cứ phạt nhưng ô nhiễm vẫn hoàn... ô nhiễm! Những vướng mắc về cơ chế, các biện pháp chế tài, mâu thuẫn giữa năng lực và sự bất khả là nguồn cội chính gây nên “bài toán khó” của thực trạng. Tồn tại nhức nhối của nạn ô nhiễm cho thấy rằng vấn đề trên sẽ không bao giờ giải quyết được nếu cứ theo “công thức” manh mún, thiếu triệt để. Nói cách khác, chuyện liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan, khu dân cư thì nhất thiết phải buộc tất cả cùng vào cuộc.

Hiểu rõ thực chất tình hình trên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã thành lập Đoàn công tác đặc biệt: Có lẽ từ trước tới nay, không có nhiều lắm việc một vị lãnh đạo cao nhất của địa phương trực tiếp khảo sát tận nơi, hiểu tận gốc và giải quyết đến tận cùng mọi khó khăn, vướng mắc của nạn ô nhiễm. Nói như thế để thấy rằng chỉ đạo hay giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến dân trí, dân sinh, lãnh đạo phải luôn sâu sát và quyết liệt, triệt để từ cách nhìn. Mặt khác, trong cuộc sống luôn xảy ra những vấn đề tưởng chừng không giải quyết nổi như chuyện “bắt cóc bỏ dĩa” về nạn lấn chiếm lòng, lề đường; chuyện xe dù, bến cóc; chuyện chợ tạm, chợ “chạy”...
 
Vấn đề là ở chỗ, nếu chỉ giải quyết “nó” ở đầu vào mà không có giải pháp thay thế ổn định, bền vững ở “đầu ra” thì không bao giờ đạt được mục đích tái lập trật tự đúng. Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường Âu thuyền Thọ Quang, là “lời giải” của rất nhiều chuyện liên quan đến môi trường, trật tự xã hội. Đầu tư lớn, có tính chất quyết định để thay đổi căn bản nạn quá tải của việc XLNT, buộc tất cả những khu dân cư, đơn vị kinh doanh phải “tham gia” vào việc đảm bảo lợi ích chung, không nhân nhượng bất kỳ sự ưu tiên và lợi dụng đặc quyền nào ở bất kỳ cấp độ nào; tính toán đủ giải pháp cho đầu ra tương thích với đầu vào của thay đổi..., là những giải pháp đồng bộ của một phức thể hợp lý nhằm thay đổi tận gốc và hiệu quả sự “khẩn cầu” bức thiết của lời giải về môi trường.

Tin tưởng rằng sau giải pháp quyết liệt và đồng bộ lần này, Âu thuyền Thọ Quang sẽ trở thành bến đỗ của niềm vui, sự trong lành và dễ sống của người dân Thọ Quang. Đã có thể nói về một “bài học” của cái âu thuyền: Đó là bài học về cách nhìn, giải pháp đồng bộ và cách làm triệt để tính đủ trước sau..

Hà Văn Thịnh
;
.
.
.
.
.