Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 vừa qua, tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong cả nước diễn biến phức tạp với sự gia tăng số ca mắc, số ca tử vong. Cả nước có 5.300 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 8 trường hợp tử vong; 1.400 trường hợp mắc bệnh viêm gan virus. Đáng chú ý là bệnh dịch tay-chân-miệng đang có xu hướng bùng phát tại nhiều địa phương, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và miền Trung.
Tính đến đầu tháng 7, cả nước có 20.700 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, 57 trường hợp tử vong; 22.800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong; 3.800 trường hợp mắc bệnh viêm gan virus và 500 trường hợp mắc cúm A/H1N1, 13 trường hợp tử vong. Cả nước xảy ra 64 vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều vụ ngộ độc tập thể, làm hơn 3.400 trường hợp bị ngộ độc, trong đó 8 người tử vong.
Những con số trên thể hiện tính chất phức tạp, khó lường của nhiều loại dịch bệnh đang tấn công sức khỏe con người. Ở mỗi thời điểm, lại xuất hiện một loại dịch bệnh mới với tính chất phức tạp, khó kiểm soát. Để chủ động phòng, chống, mới đây Chính phủ đã phải xuất kho một lượng lớn thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết cho các bệnh viện nhằm bảo đảm điều trị bệnh nhân khi dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh những vấn đề nan giải khác trong lĩnh vực y tế như chống quá tải, phát triển y tế cơ sở, thúc đẩy khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, khắc phục nhân lực y tế thiếu hụt… thì ngăn chặn dịch bệnh là thử thách rất lớn và mang tính cấp bách cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong nhiệm kỳ làm việc của mình. Ngay khi nhậm chức, người đứng đầu Bộ này cho biết, việc cần làm ngay trước mắt là kiểm soát tình hình phức tạp của các loại dịch bệnh trên cả nước. Trong đó, dồn sức để hạn chế số bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát từ nay đến cuối năm.
Dịch bệnh bùng phát không còn là điều mới mẻ. Nhưng một trong những nguyên nhân chính được các nhà quản lý trên lĩnh vực y tế đưa ra để giải thích cho việc dịch bệnh gia tăng trong nhiều năm qua đó là hệ thống y tế dự phòng cả nước vẫn còn yếu và thiếu, chưa được đầu tư thích đáng, đồng bộ để thực hiện công tác dự báo, giám sát và phòng ngừa. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho biết, 80% Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố cần được nâng cấp sửa chữa và xây mới. Hệ thống phòng xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ. Nhiều trung tâm không có đủ trang thiết bị tối thiểu, phần lớn xét nghiệm dựa vào các bệnh viện. Đây chính là lỗ hổng lớn nhưng chưa được khắc phục. Thực tế cho thấy, hiện nay mỗi Phòng Y tế cấp quận, huyện chỉ có từ 5 - 7 cán bộ, nhưng phải phụ trách rất nhiều việc và làm việc trong điều kiện khó khăn, thu nhập ít... khiến cho đội ngũ này có nhiều điều phải suy nghĩ.
Mỗi năm Việt Nam có trên 3,5 triệu người mắc lao, sốt rét, viêm gan virus, và rất nhiều dịch bệnh khác... Trong khi đó, công tác y tế dự phòng luôn được đánh giá là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ “gác cổng” để chặn dịch bệnh nguy hiểm nhưng hiện nay lại gặp muôn vàn khó khăn, khó đảm nhận trách nhiệm loại trừ được bệnh cho dân chu đáo. Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh, nhưng đây quả là bài toán hóc búa nên cần phải có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc mức độ quan trọng của công tác y tế dự phòng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Từ đó, có những đầu tư kịp thời, điều chỉnh hợp lý để công tác dự phòng, dự báo, giám sát dịch bệnh cần đi trước một bước, dự báo đúng, ngăn chặn kịp thời. Không để tình trạng “chạy theo dịch bệnh” như lâu nay vẫn làm.
Diệu Minh