Sáu tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, tình hình mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng tương đối ổn định, mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước. Điểm sáng nổi bật nhất trong 6 tháng qua là tình hình lạm phát đã bước đầu được kiềm chế; quản lý ngoại hối có kết quả ấn tượng.
Gần đây, do một số yếu tố bên ngoài, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao khiến cho CPI có biểu hiện tăng lên trong tháng 7-2011. Nhìn nhận một cách công bằng, trong thời gian qua, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã đóng góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của đất nước và thành phố.
Cùng với điểm sáng nổi bật trên đây, có một điểm yếu cũng hết sức nổi bật là tình hình lãi suất (cả huy động và cho vay) đang có chiều hướng tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, từ đó gây áp lực đối với tăng trưởng và công ăn, việc làm. Đành rằng trong điều kiện lạm phát thì lãi suất phải ở mức cao nhằm thu hút tiền về Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất nhiều năm qua ở nước ta tương đối cao so với các nước trong khu vực, nên nay lãi suất cao thêm nữa có thể tạo ra những bất ổn.
Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, trong nhiều tháng qua, các doanh nghiệp đã chủ động xoay xở tạo vốn kinh doanh bằng cách rút các khoản tiền gửi tại ngân hàng, thay vì phải đi vay với lãi suất cao. Chúng tôi đánh giá cao ứng xử linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp trong bối cảnh tiền tệ bị thắt chặt. Tuy nhiên, bên cạnh việc chủ động của doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ một cách thiết thực của hệ thống ngân hàng thương mại, mới mong tình hình khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm.
Một trong những biện pháp cần kíp nhất hiện nay là hệ thống ngân hàng thương mại phải tìm mọi cách để bảo đảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, sao cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì được sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Theo dõi của Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng cho thấy: Mức lãi suất cho vay bình quân bằng đồng Việt Nam áp dụng cho các doanh nghiệp Đà Nẵng tăng dần qua các tháng: Tháng 4-2011: 18,59%/năm; tháng 5-2011: 19,31%/năm; tháng 6-2011:19,74%/năm. Một trong nhiều nguyên nhân khiến lãi suất cho vay tăng cao có phần do lãi suất huy động đã bị biến tướng, xé rào, vượt quá mức 14%/năm như Ngân hàng Nhà nước quy định.
Rõ ràng, hệ thống ngân hàng là người có lỗi trong vấn đề này; nhưng cũng phải thấy rằng kỳ vọng của công chúng cũng góp phần làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Công chúng gửi tiền (trong đó có doanh nghiệp) luôn đòi hỏi lãi suất thực dương; ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi chênh lệch thực dương; cuối cùng doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cao chót vót dẫn đến giá thành sản phẩm cao và tạo áp lực cho lạm phát. Đây là một vòng xoáy vô cùng nguy hiểm nếu mỗi thành viên trong xã hội chỉ biết quan tâm đến lợi ích của mình, quên đi lợi ích chung.
Thái độ cần nhất trong lúc này là mỗi người cùng chia sẻ những khó khăn chung, mỗi người cần hy sinh một ít quyền lợi cùng với những chính sách điều hành hợp lý của Chính phủ thì tình hình sẽ đi vào chiều hướng ổn định. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng thương mại, người đang nắm huyết mạch của nền kinh tế, cần nêu cao đạo đức kinh doanh, làm mọi cách để lãi suất đầu vào thấp nhất nhằm đưa đầu ra hợp lý, hỗ trợ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn như hiện nay.
VÕ MINH