.

Làm sao nuôi dưỡng lòng yêu nước?

Kết quả kỳ thi đại học năm nay có không ít những nỗi phiền lòng nhưng có lẽ, bức xúc và đáng lo ngại nhất là điểm thi môn Lịch sử thấp đến mức phải bàng hoàng. Trong số 2.467 bài thi môn sử của Đại học Đà Nẵng chỉ có 19 bài đạt điểm từ 5 trở lên (!). Tình trạng đó cũng diễn ra ở Đại học Đà Lạt với số liệu tương đương là 34/1.564 bài, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 10% đạt điểm bằng hoặc trên trung bình, Đại học Tiền Giang có 4 bài, Đại học Quảng Nam có 9 bài...

Những con số xạm đen trên đây nói lên rất nhiều điều buộc tất cả chúng ta - những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh, nói chung là toàn xã hội, không thể không suy ngẫm, trăn trở và, nhất định phải tìm cho ra những giải pháp cần thiết.

Căn nguyên ở đâu?

Thứ nhất, sử học hay bất kỳ môn học nào muốn lôi cuốn được người học, tạo nên sự hứng khởi, đam mê thì nhất thiết không được bỏ qua nguyên tắc đầu tiên là chương trình học phải hấp dẫn, sinh động; sao cho, vừa kích thích được sự sáng tạo của học sinh giỏi vừa không làm cho phần còn lại chán nản, thờ ơ, coi thường. Sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử đã hầu như bỏ qua nguyên tắc này khi biến lịch sử thành một tập hợp “kiến thức” khô khan, nhàm chán; thậm chí có rất nhiều sai sót khó có thể chấp nhận. Thử nghĩ xem: Trong 9 năm mài mòn ghế nhà trường (từ lớp 4 đến lớp 12), học sinh phải học đi học lại đến 3 lần chừng đó kiến thức về cơ bản chỉ dài hơn chứ không hề hay hơn, mới hơn -  không chán mới là chuyện lạ.

Thứ hai, chúng ta dễ dàng đồng ý với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TS Phạm Vũ Luận khi ông phản bác chuyện quy kết cho học sinh “học thuộc” nên điểm sử thấp bởi vì có những điều, những ngày tháng nhất định phải học thuộc, nhất thiết phải nhớ, ví dụ ngày lập nước, ngày giỗ cha... Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng nếu lịch sử được truyền giảng một cách máy móc, vô hồn theo kiểu “trường kỳ đọc chép” thì tâm hồn con người sẽ trở nên chai lỳ, vô cảm trước những chiến công oai hùng của tiên tổ, cha ông.

Thứ ba, nếu người học không được khuyến khích khi cả nền giáo dục (và cả dư luận, quan niệm của xã hội) chỉ coi môn sử như là một môn phụ (dạy, học cho có) thì việc coi thường sự học là tất nhiên. Thêm vào đó, cách thức buộc giáo viên các cấp phổ thông phải tuân thủ tuyệt đối SGK làm cho mọi sự mở rộng trở nên bế tắc, học sinh học mà không biết anh hùng đó, vĩ nhân kia vì sao tài giỏi, vì sao phi thường thì mặc nhiên lịch sử chẳng còn cái hồn sống động, kỳ thú...

Giải pháp ở đâu?

Trước hết, phải thay đổi triết lý sử học. Lịch sử chỉ là chính nó khi nó được trình bày như những gì đã xảy ra chứ không thể chính trị hóa, tô hồng hay bôi đen một cách cố ý. Không ít bộ phim, sách lịch sử của các nước trên thế giới diễn giải nhiều về nguyên nhân thất bại, về những cái sai cần phải sửa để rút kinh nghiệm; còn lịch sử mà ta đang truyền giảng chỉ có thắng lợi và thắng lợi mà thôi (!). Đó là chưa nói chuyện có rất nhiều số liệu không chính xác dẫn đến sự nghi ngờ.           Điều tiếp theo là phải kiên quyết, mạnh dạn viết lại SGK và phân bổ chương trình học cho thỏa đáng. Ví dụ, cấp tiểu học và trung học cơ sở chỉ nên học phần dã sử, cuộc đời, sự nghiệp của các nhân vật nổi bật trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, để qua đó cho học sinh thấy - nhận thức được rằng lịch sử, về cơ bản, đã được con người tạo dựng như thế nào. Từ THPT, khi học sinh đã có đủ nhận thức thì mới dạy kỹ, học đủ lịch sử từ cổ đại đến hiện đại. Có như thế mới không bị lặp đi lặp lại, không làm cho học sinh chán.

Điều cuối cùng - nhưng có lẽ lại là điều quan trọng nhất: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy việc học sinh phải hiểu, nắm vững lịch sử dân tộc là điều bắt buộc (trước khi trở thành công dân chính thức, tức tốt nghiệp THPT) đã làm cho học sinh không thể thờ ơ với môn sử. Tại sao không thể nhân hệ số hai cho môn học này nếu chúng ta tin rằng nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc phải bắt đầu từ nền tảng lịch sử của cha ông?

Chuyện môn Lịch sử bị coi thường đã được dư luận báo động từ nhiều năm nay. “Đồng hành” với sự coi thường ấy là các giá trị văn hóa truyền thống đang bị thách thức, thậm chí, bị đảo lộn một cách nghiêm trọng. Không thể đổ lỗi rằng sự coi thường đó là “căn bệnh thời đại”. Bằng chứng rõ ràng là ở các nước phát triển, lịch sử vẫn rất được coi trọng và chưa bao giờ thấy bất kỳ sự than phiền nào như ở nước ta.

Rất cần huy động sự đóng góp, suy tư của nhiều giới, nhiều ngành để “thay đổi lịch sử” việc học sử. Nếu cứ bào chữa và đổ lỗi thì e rằng tình hình sẽ ngày càng trở nên đáng buồn hơn...

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.