Từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, từ mức 1.494 USD/ounce ngày 1-7 đã lên mức 1.869 USD/ounce ngày 19-8 và đạt mốc kỷ lục 1.915 USD/ounce vào ngày 23-8. Giá vàng thế giới tăng cao là do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là việc Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ đã khiến giá vàng thế giới từ ngày 8-8 tăng mạnh. Giá vàng tại Việt Nam đã có những đợt biến động mạnh và bộc lộ nhiều bất ổn những ngày đầu tháng 8-2011 vừa qua. Đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá cao và sức ép từ nạn đầu cơ, làm giá, khiến thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro.
Qua tính toán cho thấy, trong 10 năm qua, kể từ năm 2000 đến năm 2010, USD mất giá 37,5%, trong khi vàng lên giá 464%. Riêng trong tháng 8-2011 vàng tăng giá đến gần 20%; đây cũng là năm thứ 11 vàng tăng giá liên tiếp. Và giá đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2008. Tháng 8-2011 cũng là tháng tăng giá mạnh nhất của vàng trong 29 năm qua. Hiện kim loại quý này đang bước sang ngày tăng giá thứ bảy liên tục. Trước diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nhập khẩu vàng với số lượng hạn chế. Nhưng, biện pháp này gần như chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Tất cả đều theo một kịch bản: Giá vàng thế giới nhích lên, giá trong nước tăng theo, các cửa hàng bán ra nhỏ giọt bằng cách thông báo hết vàng, nhận tiền trước giao hàng sau, thậm chí đóng cửa tạm ngừng giao dịch. Và đến khi giá lên đỉnh điểm, bỏ quá xa giá thế giới thì ra quyết định cấp quota nhập khẩu để tăng cung, hạ nhiệt giá. Năm 2010, NHNN đã 4 lần cấp quota nhập khẩu vàng để ngăn chặn các cơn sốt giá, trong đó 2 đợt cấp cuối năm chỉ cách nhau chưa đầy 4 tuần. Đợt cấp quota nhập khẩu 5 tấn vàng hôm 9-8 là lần cấp quota thứ 2 trong năm 2011. Thị trường đã có biểu hiện lờn thuốc trước công cụ hành chính này.
Trước tình hình này, NHNN đã hoàn thành Dự thảo Nghị định mới được xây dựng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc NHNN quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bảo đảm quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân. Trong đó đáng chú ý là NHNN sẽ tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đồng thời sẽ hạn chế việc tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng; thu hẹp đầu mối buôn bán, lưu thông vàng... Tuy nhiên, động thái được xem là có tính tiên quyết, gỡ bỏ nút thắt lâu nay trên thị trường vàng là thông điệp của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, là NHNN cho nhập khẩu vàng không giới hạn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây cũng là những yếu tố quan trọng bảo đảm cho NHNN can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ lũng đoạn giá vàng, bảo đảm được các mục tiêu của Nghị quyết 11/NQ-CP.
Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định thị trường vàng, NHNN cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá ngoại tệ, đưa tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường liên ngân hàng về dưới mức trần tỷ giá cho phép. Ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. Được biết, bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng không giới hạn để tránh đầu cơ làm giá trên thị trường trong nước, NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các tổ chức tín dụng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường... Với các giải pháp này của NHNN, tin tưởng rằng thị trường vàng trong nước sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, qua đó, xóa bỏ được nạn đầu cơ, làm giá... gây bất ổn thị trường như trong thời gian vừa qua.
Thành Lân