Chính phủ mới gồm 27 thành viên vừa ra mắt vào hôm qua (3-8) với lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, “Nguyện làm việc để xứng đáng là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, tất cả vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Dư luận hân hoan và kỳ vọng Chính phủ khóa XIII theo cơ cấu tinh gọn, hợp lý, linh hoạt sẽ thật sự là công bộc của dân, đồng thời chủ động đối phó với các vấn đề trong nước cũng như những vấn đề mang tính toàn cầu.
Một nhiệm kỳ mới mở ra với thách thức lớn nhất chính là bài toán lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô, xuất phát từ những khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh chung và riêng đó, điều mà người dân, đặc biệt là người nghèo, mong muốn hơn cả là cuộc sống sẽ bớt khó khăn, giá cả sẽ “dễ thở” hơn, chứ không còn là “con ngựa bất kham”. Nước mắt của người nghèo vẫn rơi thì bất kỳ sự leo thang giá cả đều là nỗi lo đến cháy lòng của những người phải chật vật chạy ăn từng bữa. Song, tựu trung nhất, cử tri vẫn luôn kỳ vọng lời hứa của những người đứng đầu đất nước và các Bộ, ngành được thực hiện triệt để trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định vinh dự và trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó. Thủ tướng nói rằng, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là phải tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, ra sức vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy thành tựu đã đạt được, nghiêm túc khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2011-2015, đặc biệt là 3 khâu đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra.
Lời hứa phải đi kèm với trách nhiệm - trách nhiệm với chính lời hứa của mình. Trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành là làm sao để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhà nước pháp quyền do dân và vì dân phải có sự giám sát, ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, thông tấn báo chí, cộng đồng trong và ngoài nước. Người dân không muốn có sự cố Vinashin thứ hai với món nợ gây sốc 86.000 tỷ đồng. Người dân không muốn có việc thủy điện vô tư xả lũ mà Bộ trưởng Bộ Công thương lại cho rằng chuyện thủy điện xả lũ và lũ lụt ở miền Trung chẳng liên quan gì. Người dân cũng không muốn có dự án xây dựng sách giáo khoa 70.000 tỷ đồng trong khi có đến hơn 98% học sinh dưới điểm trung bình môn Sử một cách bất bình thường đến thế.
Tất nhiên, dù Chính phủ nhiệm kỳ qua và Chính phủ mới nhậm chức nỗ lực bao nhiêu thì cũng không thể giải quyết một sớm một chiều những bất cập, vướng mắc. Song, chúng ta có quyền kỳ vọng vào thông điệp hành động cùng quyết tâm của Chính phủ mới gồm 27 thành viên. Lạm phát và bất ổn kinh tế sẽ được đẩy lùi, an sinh xã hội sẽ được bảo đảm nếu có chương trình hành động phù hợp, hiệu quả cùng sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội. Cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “sẽ tập trung sức xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu” gieo cho cử tri niềm tin rằng, Chính phủ mới đa ngành, đa lĩnh vực sẽ hướng tới xây dựng một Chính phủ mạnh, trong sạch; đẩy con tàu Việt Nam tiến về phía trước; tiếp tục hội nhập, khẳng định vị thế với khu vực cũng như thế giới.
TÚ PHƯƠNG