.

Lúng túng với “cơn bệnh” vàng

Trong 4 ngày qua, giá vàng “nhảy múa” liên tục. Biên độ dao động của giá vàng trong một ngày có thể tăng - giảm 2 triệu đồng/lượng. Ngay cả trong sáng qua (11-8), giá vàng vẫn trồi sụt mặc dù đã có thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng và sẽ tiếp tục nhập thêm 5 tấn nữa.

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng chủ yếu do ảnh hưởng của giá vàng thế giới khi Mỹ và châu Âu đối mặt với khủng hoảng nợ công. Song, xem xét nguyên nhân trong nước thì phần nào bắt nguồn từ việc xuất khẩu 30 tấn vàng trong 7 tháng của năm 2011 và tình trạng vàng bị làm giá. Điều đáng quan ngại là 10 tấn vàng nhập khẩu - được cho là giải pháp bình ổn thị trường vàng - cũng không dễ khống chế được cơn sốt vàng hiện tại và hệ lụy lan sang các lĩnh vực khác là điều khó tránh khỏi. Cơ chế điều hành xuất - nhập khẩu vàng bất cập và vai trò quản lý thiếu hiệu quả của Nhà nước đối với thị trường vàng là chất xúc tác cho những cơn vũ điệu điên cuồng trong những ngày qua. Có lúc xuất khẩu vàng trở thành nhân tố giảm nhập siêu nhưng nay xuất khẩu vàng là nhân tố gây bất ổn thị trường vàng cũng như nền kinh tế.

Một năm trước, giá vàng trong nước ở mức 28 triệu đồng/lượng. Nhưng chỉ một năm sau đó (tức thời điểm hiện nay), giá vàng đã tăng vọt lên trên 45 triệu đồng/lượng. Giá vàng biến động, người bán nhiều và người mua nhiều. Thị trường vàng ở Đà Nẵng cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Đương nhiên có người lời, người lỗ. Nếu đà tăng - giảm cứ tiếp tục đan xen như thế, người dân sẽ bị thiệt hại và nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá cả các mặt hàng thiết yếu khác cũng theo đó sẽ không ngừng leo thang. Rốt cuộc, trong vòng xoáy của vàng, người dân nghèo vẫn phải gồng gánh cho cuộc sống với nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền. Câu hỏi đặt ra là bao giờ “cơn bệnh” này mới chấm dứt?

Vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước trong lúc này đóng vai trò quan trọng hơn hết để giúp cắt “cơn sốt” vàng nhưng rõ ràng các cơ quan chức năng đang lúng túng. Vấn đề phải là điều trị dứt điểm “cơn bệnh”, chứ không chỉ đơn thuần cắt cơn để rồi sau đó lại tái phát. Tuy nhiên, nếu cho nhập vàng, khả năng nhập siêu sẽ tăng trở lại, đe dọa mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tài chính thế giới đang chao đảo vì lạm phát và nợ công. Đó là chưa kể đến việc nhập khẩu vàng sẽ cần lượng ngoại tệ lớn và điều này sẽ gây sức ép lên tỷ giá.

Nếu nói tình trạng bất ổn của thị trường vàng hiện nay là do cơ chế điều hành xuất - nhập khẩu vàng bất cập và lỗi thuộc về năng lực quản lý, điều hành của cơ quan chức năng, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, thì thật không ngoa. Bởi lẽ, trong khi Việt Nam xuất 30 tấn vàng thì nhiều quốc gia khác lại ồ ạt mua vàng. Rồi trong khi giá vàng thế giới tăng và biến động khó lường của thị trường vàng trong nước thì Việt Nam lại nhập khẩu vàng. Cái sự xuất - nhập rất không hợp lý này khiến xã hội phải bù đắp hàng trăm triệu USD.

Chúng ta đang mong đợi những giải pháp căn cơ, những giải pháp ngăn chặn từ xa của Nhà nước (trong đó có việc ngăn chặn đầu cơ, tích trữ), chứ không phải đối phó từng đợt chỉ để hạ nhiệt vàng.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.