.

Phụ nữ tham chính

Phụ nữ có thể làm chính trị, tham gia lãnh đạo trong bộ máy chính quyền hay nắm giữ các vị trí chủ chốt mang tính quyết định tại cơ quan, đơn vị hay không, tiềm năng này đã được minh chứng ngay từ khi trẻ em gái còn ngồi trên ghế nhà trường. Phụ nữ đã “tham chính” từ rất sớm và thể hiện một cách thuyết phục vai trò điều hành lúc chưa trưởng thành.

Qua khảo sát trên địa bàn Đà Nẵng, tại Trường tiểu học Trần Cao Vân có 46 lớp. Trong đó, 59% lớp trưởng là nữ; 50% chi đội trưởng nữ; 100% Ban chỉ huy liên đội là nữ. Tại Trường THCS Trưng Vương, các vị trí này tương ứng những con số 82% - 72% -79%. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nữ làm bí thư chi đoàn 53%; lớp trưởng 57%; tổ trưởng 73%. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng: 374 sinh viên nữ giữ các chức danh lớp trưởng, lớp phó, bí thư, phó bí thư chi đoàn trên tổng số 620 cán bộ lớp, chiếm 60,3%.

Những người làm công tác giáo dục cũng thừa nhận gần như từ xưa đến nay, cán bộ lớp phần lớn là nữ. Các em gái với sự tận tình, kiên nhẫn, chịu khó đã đưa phong trào lớp đi lên, giúp đỡ các bạn yếu kém, tạo được niềm tin nơi thầy cô, bạn bè. Đây là gì nếu không là năng khiếu hay khả năng thiên phú làm lãnh đạo của phụ nữ.

Thế nhưng, thực tế phũ phàng là khi ra trường, con đường lãnh đạo hay tham chính của phụ nữ lại… đi xuống! Loay hoay mãi với công tác cán bộ nữ thì tỷ lệ phụ nữ tham chính cũng chưa cao. Điều này thể hiện qua các con số: Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội (nhiệm kỳ 2011-2016) 24,4%. Tỷ lệ nữ ở các cơ quan dân cử cấp tỉnh (Đà Nẵng 2011-2016) 28%. Tỷ lệ đại biểu nữ ở các cơ quan dân cử cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố (2004-2011) 23%. Tỷ lệ đại biểu nữ ở các cơ quan dân cử cấp xã tại Đà Nẵng (2011-2016) 27%. Nhìn ở cấp quốc gia, trong đội ngũ Bộ trưởng của chúng ta nhiệm kỳ vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn lẻ loi ở phe phái đẹp.

Hiện nay, phụ nữ chiếm 51,48% dân số; 48% lực lượng lao động xã hội. Họ được coi là “một nửa thế giới” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng ở những vai trò có tính quyết định, phụ nữ lại là lực lượng yếu thế.

Tại diễn đàn giao lưu “Thúc đẩy phụ nữ tham chính” vừa mới diễn ra ở Đà Nẵng, cùng với thành phố chủ nhà còn có sự tham gia của 6 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Diễn đàn đã có nhiều ý kiến đóng góp mổ xẻ sự bất bình đẳng trong vấn đề tham chính của phụ nữ, trong đó đề cập nhiều đến những trở lực khiến phụ nữ khi bước chân ra xã hội khó tiến thân như cơ quan thẩm quyền thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sắp xếp. Về phía chị em, hạn chế xuất phát từ bản tính thiếu ý chí phấn đấu, thiếu tự tin (!?), hay đố kỵ… Và để khắc phục những khó khăn đó thì một yếu tố quan trọng là cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, nhất là từ phía nam giới…

Nhìn lại những phụ nữ nắm giữ các vị trí mà nhiều chị em đang nỗ lực đạt được, có thể thấy hiệu quả công việc từ các “sếp” này không hề thua kém nam giới. Nói phụ nữ thiếu khát vọng vươn lên hoặc còn hồ nghi về năng lực của họ là kiểu quơ đũa cả nắm. Và một khi xã hội còn cho rằng cần sự giúp đỡ của đàn ông để thúc đẩy phụ nữ tham chính thì tư tưởng “xem nhẹ” chị em và nguy cơ tiềm ẩn bất bình đẳng vẫn nặng nề.

Ở góc độ chủ quan, có thể thiếu sự toàn diện, người viết thiết nghĩ điều quan trọng để phụ nữ tham chính là cơ hội. Hãy để họ nắm quyền trong khả năng có thể, trước khi vòng vo về sức làm việc của họ. Hiệu quả và ý chí của phụ nữ đến đâu, kết quả điều hành sẽ là câu trả lời. Bởi khi đã nói bình đẳng thì dù là nam hay nữ cũng phải dựa trên thành quả. Phụ nữ có thể tham chính tốt hay không, một phần lời đáp đã được hé lộ từ khi họ còn nhỏ.

Toàn Vân
;
.
.
.
.
.