.

Sự thật của nỗi đau

“Tôi chạy xe vào trạm xăng với thùng hàng to hơn cả cơ thể tí hon, dị dạng bẩm sinh của mình. Đang loay hoay không biết bằng cách nào có thể nhấc thùng hàng xuống để đổ xăng, thì một thanh niên bước tới hỏi: … “Bao nhiêu tuổi rồi?”. Giá như người thanh niên ấy phụ tôi một tay, đằng này lại thốt lên câu hỏi vô cảm đến vậy”, anh Nguyễn Ngọc Phương, 31 tuổi, nạn nhân chất độc da cam tâm sự. Đối với anh Phương, đây thực sự là tình huống gây thất vọng về cách ứng xử của một số người đối với người khuyết tật nói chung, nạn nhân chất độc da cam nói riêng.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Ngọc Phương, rất may điều đáng tiếc ấy chỉ là số ít. Bởi ngôi nhà chung của các hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam giờ đây đã có đủ các thành phần đa sắc tộc, đa tôn giáo trên toàn thế giới. Họ đến với các nạn nhân để không chỉ đóng góp vật chất, công sức, mà còn giúp đem tiếng nói công lý lan rộng toàn cầu. Tất cả đều hiểu, nỗi đau do chất độc hóa học của quân đội Mỹ gây ra là điều có thật. Một sự thật đau buồn không thể chối cãi. Hành trình đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bắt đầu từ ngày 30-1-2004. Sau 7 năm, hành trình này còn tiếp diễn với những thách thức mới. Nhưng dù công lý chưa được tìm lại sau ngần ấy năm đấu tranh cùng nửa thế kỷ trả giá cho bao mất mát khôn nguôi, thì nó vẫn luôn được ủng hộ bởi những người yêu hòa bình và biết day dứt trước nỗi đau đồng loại.

50 năm sau thảm họa chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam, dioxin vẫn còn hiện hữu với nỗi ám ảnh ghê gớm. Từ tháng 8-1961 đến tháng 10-1971, quân đội Mỹ đã sử dụng vài chục loại chất độc hóa học với khối lượng trên 100.000 tấn. Trong đó chủ yếu là chất CS, da cam, trắng, xanh, tím, hồng, xanh mạ. Chất da cam, tím, hồng, xanh mạ là những hóa chất chứa dioxin và được phun rải với mật độ 37kg/ha, gấp 17 lần liều sử dụng trong nông nghiệp (theo hướng dẫn của Bộ Tư lệnh lục quân Mỹ 1969 là 2,2kg/ha). Đây được coi là cuộc chiến tranh hóa học quy mô chưa từng có trong lịch sử thế giới.

3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin được xác định trên 63 tỉnh, thành. 3.185 thôn, bản từng bị phun rải chất độc hóa học. Trên 2 triệu ha rừng bị tàn phá. Những tổn thất đó chưa dừng lại khi di chứng của chất độc này đã truyền sang thế hệ thứ 3, 4 và có khả năng ảnh hưởng tồi tệ đến những thế hệ tiếp sau nữa. Điều đáng nói, 34% trong số các nạn nhân là phụ nữ. Họ không chỉ hứng chịu đau thương trên chính thân thể mình, mà hạnh phúc làm vợ, làm mẹ đã trở thành nỗi bất hạnh. 85% gia đình nạn nhân có 2 -4 trẻ bị dị tật. 3% gia đình nạn nhân có 5 con bị nhiễm dioxin.

Trở lại câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Phương để thấy rằng, các nạn nhân luôn đau hơn người bình thường và đối diện với khó khăn cũng lớn hơn người bình thường. Vì thế, sự sẻ chia dành cho họ không chỉ ở lời nói, mà rất cần những hành động có tình người nhất.                
 
Toàn Vân
;
.
.
.
.
.