Sau 15 năm ròng rã tích lũy lực lượng và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; và chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28-8-1945), chính quyền trong cả nước đã thuộc về tay nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã lật đổ được ách thống trị của phát-xít Nhật, xóa bỏ chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp và bộ máy chính quyền phong kiến tay sai, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử của dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân mang tính quyết định là ý chí của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với nguyện vọng độc lập dân tộc cao cả của toàn thể nhân dân Việt Nam. Chính sự thống nhất cao độ giữa “ý Đảng, lòng dân“ đã thúc đẩy toàn thể nhân dân vùng dậy, tạo nên sức mạnh vô bờ bến, làm tê liệt và nhấn chìm hệ thống chính quyền thống trị của phát-xít xâm lược và tay sai, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bên cạnh lực lượng công-nông làm nòng cốt, là sự tham gia tích cực, đông đảo của nhiều thành phần xã hội khác, bao gồm những trí thức mới, học sinh, sinh viên, thân hào nhân sĩ ở nông thôn, tiểu thương, tiểu chủ, người lao động ở thành thị. Hiện diện trong dòng thác của cuộc Tổng khởi nghĩa còn có cả trung nông, phú nông, các nhà tư sản và địa chủ, đội ngũ những thầy cai, thầy ký trong các cơ sở công nghiệp, các viên chức trong các công sở, sở tư.
Không những thế, ngay cả những thành phần tưởng như là “đối tượng chính trị“ của cách mạng cũng trở thành một bộ phận của cuộc Tổng khởi nghĩa. Đó là những người lính trong các lực lượng bảo an binh, khố xanh, khố vàng, khố đỏ, lính lệ; là những học viên của Trường quân sự Thanh niên tiền tuyến do Nhật và chính quyền bù nhìn thành lập, mà phần lớn là quí tử của những “thế gia vọng tộc“; là những chức sắc của bộ máy chính quyền bù nhìn như các hương hào, lý trưởng, chánh tổng, chánh quản, hội đồng, trưởng huyện, quận trưởng ở các địa phương; là những thành viên gắn liền với lợi ích và sự sống còn của vương triều Nguyễn gồm nhiều hoàng thân quốc thích, con em gia đình quan lại...
Sự hiện diện đông đủ các giai tầng xã hội trong cuộc vùng dậy trên phạm vi cả nước với quyết tâm thực hiện cuộc đổi đời theo lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản thể hiện lòng dân đều đã hướng về một phía, vì Đảng Cộng sản biết đặt lợi ích dân tộc lên trên quyền lợi của giai cấp và bộ phận.
Chính chủ trương “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn“ của Việt Minh đã khiến “ai cũng tự nhận mình là Việt Minh“, ai cũng là người yêu nước, và ai ai cũng mong muốn quốc gia được độc lập, dân tộc được tự do.
Sự đồng tâm nhất trí của toàn thể nhân dân Việt Nam trong tổ chức Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kết thành sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xoay chuyển toàn bộ cục diện và giúp dân tộc giành được thắng lợi to lớn, làm vẻ vang cho giống nòi.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám một lần nữa đã khẳng định tính đúng đắn của quy luật vốn tồn tại lâu đời trong lịch sử dân tộc suốt mấy nghìn năm: được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả, “lòng dân là ý trời”.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền kể từ Cách mạng tháng Tám là nhờ được lòng dân, phù hợp với quy luật lịch sử. Vì vậy, trong công cuộc đổi mới đất nước, vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa phải lo bảo vệ vẹn toàn nền độc lập và chủ quyền của quốc gia khi bối cảnh khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp như hiện nay, thì bài học về sức mạnh của lòng dân càng phải được nêu cao hơn bao giờ hết.
Ý Đảng và lòng dân phải luôn là một! Bởi nếu không, đã là quy luật lịch sử, thì không ai có thể thoát khỏi sự nghiệt ngã khách quan của quy luật lịch sử.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN