.

Thương hiệu số 1

Đà Nẵng lại dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT, ICT Index) năm 2011, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thành phố bên sông Hàn giữ ngôi vị quán quân ở lĩnh vực này.

Được xác định là một trong những tỉnh, thành phố quan trọng góp phần vào sự thành công của đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Đà Nẵng đã và đang ứng dụng hiệu quả CNTT vào các mặt của kinh tế và đời sống xã hội. ICT Index của Đà Nẵng năm 2011 đạt 0,75, tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh (0,67) và Bắc Ninh (0,66). Năm 2010, ICT Index của Đà Nẵng là 0,73. Năm 2009, thành phố xếp thứ nhất và năm 2008 xếp thứ hai. Một chặng đường liên tiếp 4 năm với vị trí quán quân và á quân minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của các sở, ban, ngành ở Đà Nẵng và những đơn vị liên quan, góp phần khẳng định thương hiệu cho thành phố động lực của miền Trung.

Với kết quả như trên, có lẽ sẽ có không ít ý kiến hoài nghi về khoảng cách giữa xếp hạng và thực tế của việc “sẵn sàng ứng dụng CNTT”. Theo số liệu được công bố tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp bưu chính-viễn thông, CNTT và trao giải thưởng doanh nghiệp ứng dụng CNTT hiệu quả năm 2010 ở Đà Nẵng vào tháng 7 vừa qua, doanh thu của các doanh nghiệp thông tin-truyền thông trên địa bàn thành phố đạt gần 7.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ CNTT đạt 1.800 tỷ đồng, xuất khẩu phần mềm hơn 11 triệu USD. Đánh giá của Sở Thông tin-Truyền thông cũng cho rằng, CNTT đã và đang được các doanh nghiệp sử dụng như công cụ thiết yếu để nâng cao sản xuất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể đến các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, thậm chí là cấp quận, phường cũng đang đưa CNTT vào phục vụ công việc quản lý, điều hành, nhất là thực hiện cải cách hành chính. 

Chẳng hạn, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu đã thực hiện hiệu quả việc “vi tính hóa” tất cả văn bản, tài liệu họp bằng cách gửi đến các trường học và cơ sở trực thuộc qua email, thay vì in ra giấy và chuyển qua đường bưu điện. Hơn 150 triệu đồng mà ngành này tiết kiệm được trong một năm học với mô hình “Văn phòng không giấy” quả thật không phải là con số nhỏ. Trong khi đó, dành rất nhiều tâm huyết và công sức để nghiên cứu và thiết kế, 2 cán bộ trẻ công tác tại một phường thuộc quận Thanh Khê đang háo hức chờ ngày trang web của phường chính thức hoạt động. Những người cán bộ trẻ này hào hứng chia sẻ rằng, trang web hoạt động sẽ giúp người dân được trao đổi và giải đáp những thắc mắc về chế độ, chính sách, cũng như nắm bắt các chủ trương, văn bản mới, những hoạt động diễn ra trên địa bàn phường… Hoặc một đơn vị y tế tư nhân ứng dụng CNTT để quản lý hồ sơ thân chủ theo dạng bệnh án điện tử, được bảo mật và lưu trữ vĩnh viễn trong máy chủ. Theo đó, bằng một vài động tác kích chuột, bác sĩ có thể tìm ra hồ sơ của người bệnh trong khoảng 10 giây để tư vấn, giải quyết được “căn bệnh chờ” vốn thường xuyên gặp ở các bệnh viện hoặc phòng khám quá tải. 

Những ví dụ trên chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp ứng dụng hiệu quả CNTT của các cơ quan, đơn vị ở Đà Nẵng. Để từ đó, cả nước biết đến thương hiệu Đà Nẵng không chỉ với chương trình “5 không”, “3 có”, không chỉ với 3 năm liên tiếp dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một trong 6 địa phương của cả nước có chỉ số cao nhất về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2010, mà còn liên tục là quán quân ICT Index.

Tuy nhiên, tạo dựng được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn. Vì vậy, các ngành chức năng cần thúc đẩy ứng dụng hiệu quả CNTT hơn nữa, đơn cử như cần rà soát lại hoạt động của các trang web, tránh tình trạng “có cũng như không”. Riêng với ngành CNTT, trong một lần trao đổi, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software tại Đà Nẵng - một trong những công ty hàng đầu về CNTT tại thành phố - cho rằng Đà Nẵng cần nỗ lực thay đổi hơn bộ mặt của ngành này, như cần có chính sách quảng bá phù hợp, xây dựng tốt đầu vào và đầu ra bằng việc đặt chỉ tiêu đào tạo cho các trường, để đáp ứng đúng yêu cầu mà các công ty và xã hội đang cần.

TÚ PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.