.

Ước mơ của người nghèo

Anh Dương Văn Ngọc (39 tuổi), trú tổ 13, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), chia sẻ với tôi rằng: “Hầu hết ai cũng có ước mơ, hầu hết ai cũng mong sống có ích chứ không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Người dân ở hai bên đường Nguyễn Duy Hiệu (quận Sơn Trà) quen thuộc với hình ảnh người thanh niên trên chiếc xe lăn làm nghề sửa giày dép và đổi bình gas mini. Cuộc sống đắp đổi qua ngày và cũng rất khó khăn. Song, anh Ngọc luôn mỉm cười với niềm lạc quan rằng, chỉ cần nỗ lực vươn lên thì ánh sáng sẽ le lói ở cuối con đường, thậm chí mặt trời sẽ rực rỡ. Từng ở trong diện hộ đặc biệt nghèo, anh Ngọc giờ đây đã vươn lên thoát nghèo và không muốn mình lại có tên trong danh sách cần sự hỗ trợ của địa phương. Ước mơ và mục tiêu phấn đấu của anh rất giản dị: Không thể để xã hội mãi cưu mang.

Anh Ngọc là một trong số rất nhiều người nghèo ở Đà Nẵng có khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, để không trở thành gánh nặng của xã hội. Và còn không ít trường hợp cảm động khác, như chị Lê Thị Thủy (41 tuổi), trú tổ 12, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, chồng mất vì tai nạn giao thông, một mình nuôi 4 người con, trong đó 3 người con đang ở tuổi đi học. Khi con trai đầu trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, chị Thủy kiên quyết không để con làm nghĩa vụ công dân.

Dần dần sự vận động của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã làm thay đổi suy nghĩ của người phụ nữ vốn tần tảo với nghề may gia công này. Không những nỗ lực thoát nghèo, chị còn động viên con hoàn thành nghĩa vụ quân sự để trở thành công dân có ích.

Chính sách an sinh xã hội của thành phố trong những năm qua, trong đó có việc xóa đói giảm nghèo, đã mang lại những tín hiệu vui và sự ấm áp cho hàng ngàn gia đình. Con số 3.964 hộ vươn lên thoát nghèo đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của Chính quyền thành phố, các sở, ban, ngành liên quan, của Chính quyền các địa phương, và đặc biệt là bản thân những người nghèo. Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và cũng là năm đầu tiên thực hiện công tác giảm nghèo với tiêu chí mới theo quy định của Chính phủ. Song, vấn đề giảm nghèo bền vững vẫn là bài toán nan giải. Nếu hộ nghèo, hay hộ đặc biệt nghèo nào cũng có ý thức sử dụng “cần câu” của Chính quyền, các tổ chức xã hội hỗ trợ mà tự đi câu, chứ không trông chờ, ỷ lại, với tâm lý muốn tiếp tục nhận tiền hỗ trợ thì sẽ giảm biết bao gánh nặng cho công tác xóa đói giảm nghèo.

Trong vòng quay của cuộc sống, trong sự tất bật lo toan cho cơm - áo - gạo - tiền, dù cả hệ thống chính trị vào cuộc và nỗ lực như thế nào thì nước mắt của người nghèo vẫn còn rơi. Dẫu biết xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và bền bỉ của xã hội, nhưng các cấp, các ngành không thể thấy khó mà nản lòng. Trái lại, những người tham gia vào công tác này phải thật sự cống hiến bằng tâm huyết, tình thương, trách nhiệm để việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Và người nghèo cần đón nhận tấm lòng của xã hội bằng cái tâm, lòng tự trọng và bằng chính khát vọng của mình. Như anh Ngọc, chị Thủy giờ đây có thể tự xoay xở để vun đắp cho gia đình nhỏ bé. Cuộc sống dẫu bộn bề khó khăn nhưng niềm vui của những người rất đỗi bình thường này là được sống và làm việc như bao người bình thường khác, để không còn nhận những ánh mắt ái ngại. Ngày ngày anh Ngọc vẫn đi về với chiếc xe lăn trên con đường quen thuộc. Động lực thôi thúc anh làm việc hăng say nhất trong lúc này bên những đường kim, mũi chỉ khi khâu vá giày chính là cô con gái đầu lòng vừa chào đời. Anh đang rạng ngời hạnh phúc với ước mơ về cuộc sống và tương lai của một gia đình hạnh phúc, ước mơ của một người đã thoát nghèo. 

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.