.

Giáo dục nhân cách

Hôm nay (5-9), học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới, năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, với nền tảng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chuẩn bị chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Đổi mới căn bản, toàn diện nhằm thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”. Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới đã nhấn mạnh đến điều này, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Nhưng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục không chỉ là công việc của riêng một ngành, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực từ phía học sinh và sự chung tay của toàn xã hội, làm sao để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, làm sao để thật sự trở thành “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngành Giáo dục dẫu nỗ lực đến thế nào, nhưng nếu không có sự phối hợp của gia đình và xã hội thì không thể làm nên một nền giáo dục toàn diện. Theo đó, môi trường sư phạm phải luôn trong sáng, chuẩn mực. Thầy phải chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, khuyến khích thầy và trò cùng trao đổi, phản biện, nhằm tạo sự tương tác.

Trò phải năng động tư duy, tự học, phát huy tính sáng tạo, thúc đẩy sự cộng hưởng hiệu quả nhất để thay thế hoàn toàn phương pháp đọc - chép vốn thụ động, cũ kỹ, thiếu hiệu quả. 

Trong không khí rộn ràng, náo nức của ngày tựu trường, hàng triệu học sinh lớp 1 được chào đón bằng sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc, chia sẻ của cả nhà trường lẫn gia đình. Bởi lẽ, đây là bậc học nền tảng đối với hành trình đào tạo nhân cách và tri thức cho mỗi con người. Những ánh mắt tròn xoe, lạ lẫm với cặp sách trên vai bắt đầu nhập cuộc hành trình 12 năm khai sáng. Khẩu hiệu đầu tiên trong chặng đường giáo dục một học sinh ở thời đại nào cũng luôn là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều đó minh chứng rằng, giáo dục nhân cách vẫn được đặt hàng đầu, cũng như trong 5 đức tính của người quân tử theo Nho giáo, bao gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thì chữ “nhân” quan trọng nhất và trọng tâm nhất. Nhân cách tốt kết hợp tri thức vun đắp nên một công dân tốt. Nhất là khi hằng ngày chúng ta đối mặt với không ít áp lực, cám dỗ, cũng như bắt gặp rất nhiều “thông tin xấu” lan tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc định hình nhân cách tốt cho thế hệ trẻ sẽ ngăn chặn những tệ nạn xã hội, góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, dù chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nhưng mọi sự đổi mới trong ngành Giáo dục cũng phải dựa trên cơ sở “tiên học lễ”.

Còn nhớ trong buổi nói chuyện với 294 thanh-thiếu niên chậm tiến diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chia sẻ: “Thành phố luôn dang rộng vòng tay với các em. Không mong các em ai cũng trở thành bác sĩ, kỹ sư nhưng thành phố mong rằng các em trưởng thành sẽ có cuộc sống ổn định, làm người lương thiện”. Kỳ vọng của những người đi trước vào thế hệ trẻ trước hết vẫn luôn là nhân cách, là công dân tốt, là người lương thiện, để nụ cười hiện hữu trên gương mặt mỗi người, để cây trái mãi xanh tươi, để cuộc sống chan chứa tình người với sự chân, thiện, mỹ.

TÚ PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.