.

Lời thề Độc lập

Một ngày Thu cách đây 66 năm,  Bác Hồ ra mắt quốc dân với bản Tuyên ngôn Độc lập. Một sĩ quan Mỹ có mặt ở Quảng trường Ba Đình lúc ấy nhận xét: “Ông đứng yên, mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm vóc, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân, giọng nói của ông bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật. Khi ông đột ngột dừng lại và hỏi “Đồng bào có nghe rõ tôi không”, quần chúng hô vang đáp lại “rõ”, không còn nghi ngờ gì nữa, lời ông đã thấu tới quần chúng” (A. Patty, sĩ quan tình báo Mỹ có mặt ở Việt Bắc và Nam Trung Quốc trước ngày phát-xít Nhật đầu hàng, có sự cộng tác với Việt Minh và đặc biệt kính trọng Hồ Chủ tịch).

Bác Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn, một thiên cổ hùng văn với khẳng định đầy quyết tâm:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Với những người Việt Nam thế hệ Cách mạng mùa Thu và cả các lớp con cháu kế tiếp đó là lời thề độc lập, lời thề trao cho mỗi người và mọi người Việt Nam trách nhiệm cao cả nhất giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc, của đất nước.

Chưa có một con số chính thức về những hy sinh, tổn thất của mỗi gia đình, của cả dân tộc ta trong cuộc trường chinh vì độc lập, tự do từ ngày 2-9 ấy đến nay. Nhưng chỉ nhìn vào những hàng bia trắng trong các nghĩa trang liệt sĩ ở các làng mạc cả nước, chỉ nhìn vào chân dung các liệt sĩ có gương mặt trẻ măng được thờ ở rất nhiều nhà, và có đến mấy trăm ngàn gia đình cho đến lúc này vẫn chưa biết hài cốt, phần mộ các liệt sĩ ở đâu, chúng ta biết rõ cái giá mà dân tộc ta đã trả cho điều thiêng liêng nhất “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Chính vì vậy, thế hệ chúng ta hôm nay, nhất là các bạn trẻ càng yêu mến đất nước này, càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình trong giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc, những thành quả đã giành được bằng biết bao xương máu.

Dù quê hương đất nước có nghèo cực như thơ của Nguyễn Duy:

Một bên Trường Sơn cây xanh
Bên còn lại Trường Sơn cát trắng
Đồng bằng hình lá lúa gầy nhẵng
Cơn bão chưa qua hạn hán đã tới rồi
Ngọn cỏ nhọn thành gai trốn không khỏi úa
Đất nứt nẻ ngỡ da người nứt nẻ
Cơn gió Lào rát ruột lắm em ơi…

Thì chúng ta vẫn ngàn lần yêu thương, quyết tâm gìn giữ Tổ quốc, bởi trong từng tấc đất đều có phần xương thịt của mình, của đồng đội, đồng bào, của những người thân yêu nhất.

“Như con cá sinh ra đã biết bơi, không ai phải dạy nó bơi cả. Người Việt Nam sinh ra đã là người yêu nước” (Giáo sư Phan Ngọc). Chúng ta biết chúng ta phải làm gì lúc này để giữ vững quyền độc lập tự do.

Chúng ta hiểu mỗi hòn đảo nửa nổi nửa chìm, mỗi vùng lãnh hải đều là máu thịt của mình. Chúng ta hiểu độc lập chủ quyền giờ đây là tự do đi lại, thông thương, tự do nuôi trồng, đánh bắt hải sản, tự do thăm dò khai thác tài nguyên trên vùng biển, ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc mình.
Chúng ta nhớ lời thơ của Lý Thường Kiệt:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)

Chúng ta cùng các bạn ngư dân, các chiến sĩ hải quân đọc vang lời thơ ấy trong ầm ầm tiếng sóng vỗ. Các chiến sĩ ấy không chỉ hào hùng khi đọc thơ thần của tướng quân họ Lý mà còn sẵn sàng theo gương những đồng đội từng lái những con tàu không số tiếp lửa cho miền Nam, sẵn sàng hy sinh thầm lặng không tên, sẵn sàng để thân xác mình tan hòa vào biển xanh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những ngày mùa Thu này “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”, lời thề độc lập như vang ngân trong bầu trời mùa Thu xanh thẳm.

Và các bạn trẻ hãy đặt tay lên nơi trái tim mình, có phải lời thề độc lập đang tươi đỏ đập mạnh như thúc giục các bạn.

Nguyễn Đình An
;
.
.
.
.
.