.

Năm học mới: Nâng cao và giảm tải

Năm học mới 2011-2012 đã bắt đầu. Một trong những kỳ vọng lớn nhất của các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, mọi phụ huynh học sinh và 200 nghìn học sinh các bậc học trên toàn thành phố Đà Nẵng là trong năm học mới này, toàn ngành Giáo dục sẽ điều chỉnh, thay đổi chương trình dạy và học, sao cho hạn chế đến mức thấp nhất những yếu kém.

Trong năm học 2010-2011, Đà Nẵng đạt được những kết quả rất đáng tự hào; trong đó, nổi bật nhất thành phố là một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước (97,2%), là một trong những lá cờ đầu về công tác phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học...

Để chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất cho năm học này, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị 116 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các công trình đã đưa vào sử dụng, không có cơ sở nào phải dạy, học 3 ca hoặc ở các phòng tạm. Đặc biệt, rút kinh nghiệm các năm học trước, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các quận, huyện nhằm bảo đảm không có trường hợp nào xảy ra tình trạng lạm thu, thu không đúng quy định...

Những nỗ lực đó của ngành Giáo dục là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều làm cho dư luận băn khoăn, trăn trở rất nhiều trong năm học vừa qua là chương trình học quá nặng, học sinh tốn sức mà thiếu hiệu quả. Vấn đề đạo đức, nhân cách của học sinh có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, mà theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì: “Vấn đề đạo đức lương tâm đã thực sự đáng báo động. Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông về vấn đề giáo dục nhân cách của con người... học để làm người”.

Về giảm tải chương trình học, như thế nào, cụ thể ra sao, trong những môn học nào..., là không dễ dàng, nếu không khéo thì việc cắt giảm chương trình sẽ làm lệch lạc, méo mó “sản phẩm” được giảm tải. Mặt khác, việc chuẩn bị tập huấn cho giáo viên thích ứng với cơ chế giảm tải song song với dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động và sáng tạo của học sinh đòi hỏi sự đột phá trong tư duy, nếp nghĩ của người thầy không phải đến ngay sau các đòi hỏi hành chính. Hầu như ai cũng biết cách dạy áp đặt nhận thức và cách học theo lối diễn dịch máy móc lâu nay đã biến học sinh thành những cái “máy” thụ động, đòi hỏi sự thay đổi sâu sắc, triệt để.

Việc giáo dục kỹ năng sống nói riêng, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh mãi đến bây giờ mới đưa vào chương trình là một sự muộn màng, nhưng dù sao, muộn vẫn còn hơn không. Cần nhận thức rõ rằng, việc giáo dục nhân cách không thể chạy theo thành tích vì đó là sự nghiệp lâu dài. Hơn nữa, nó càng không phải là “sản phẩm riêng” của ngành Giáo dục mà là của cả nhà trường - gia đình - xã hội. Những bài giảng về đạo đức không thể cứ lặp đi lặp lại theo kiểu giáo điều, lý thuyết chung chung mà phải cụ thể, giản dị và đi thẳng vào trái tim người. Không thể có chuyển biến về đạo đức và nhân cách nếu không “mở” được những rung động, yêu thương của trái tim người.

Những thách thức của thời đại mới đòi hỏi những con người đang trưởng thành phải biết cách thích nghi, vượt qua. Có thách thức cũ chẳng hạn như việc dạy cho trẻ biết bơi là điều nhất thiết phải làm. Nhà trường, phụ huynh, địa phương phải chung tay, góp sức dạy cho trẻ biết bơi. Rất đáng mừng là mấy năm qua, Đà Nẵng đã có chương trình dạy học bơi miễn phí, rất bổ ích và thiết thực. Những thách thức mới đang “ập đến” rất nhanh và rất nhiều như nền kinh tế thị trường liên tục biến động; lối sống đua đòi, chụp giựt; những chênh lệch giàu nghèo gây nên các bức xúc cho lớp trẻ, cha mẹ bận bịu kiếm sống nên ít có thời gian lo toan cho con cái...

Năm học mới đem đến cả một làn gió mới. Mục tiêu đổi mới thiết thực hơn, hiệu quả hơn đã được Sở GD&ĐT Đà Nẵng cụ thể hóa thành nhiệm vụ rất rõ ràng: “Trong năm học này, ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục phát triển sự nghiệp GD&ĐT theo hướng toàn diện và vững chắc. Thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội... tập trung làm chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh...”.

Tô Vĩnh Hà
;
.
.
.
.
.