.

Bảo vệ quyền lợi công nhân

Đầu tháng 10, đã có hai vụ đình công xảy ra tại Công ty TNHH ITG Phong Phú và Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam cùng đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Từ sự việc này dư luận đã đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của chính quyền, Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân.

Tại buổi họp giao ban về công tác dân vận trong quý 3 năm 2011, ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, những công nhân tại các công ty này đình công vì ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, doanh nghiệp chưa tăng lương trong khi mức lương tối thiểu theo quy định mới đã tăng từ ngày 1-10. Thứ hai, định mức theo sản phẩm thấp và nguyên nhân thứ ba liên quan đến việc tăng ca nhưng tiền công không tương xứng.
 
Trên thực tế, trong những năm qua, đời sống công nhân so với mặt bằng chung của xã hội còn bấp bênh và khá vất vả. Mức lương và thu nhập không đủ sống hoặc chỉ đủ để xoay xở qua ngày đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của công nhân. Chính vì vậy, khi có quy định mới của Nhà nước về việc tăng lương, công nhân nào cũng khấp khởi mừng bởi cuộc sống của họ sẽ bớt phần nào khó khăn trước những cơn bão giá đang hằng ngày đe dọa. Việc chậm trễ tăng lương do đó, đã tác động mạnh đến tâm lý của công nhân.

Tuy nhiên, để dẫn đến đình công thì trách nhiệm của Công đoàn các cấp cần phải xem lại một cách nghiêm túc. Đáng lý ra, tất cả những vấn đề về chính sách, chế độ liên quan đến công nhân thì Liên đoàn Lao động địa phương và công đoàn doanh nghiệp phải phổ biến đến chủ doanh nghiệp trước khi chủ trương, chính sách đó có hiệu lực; đồng thời, kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp đã triển khai thực hiện đến đâu. Vì theo quy định của Luật Công đoàn thì “Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ về lao động” và “Trong phạm vi chức năng của mình, Công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động”.
 
Như vậy, nếu doanh nghiệp chậm trễ trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động thì Công đoàn có phần trách nhiệm. Bên cạnh đó, nếu đi sâu đi sát thực tế, hẳn Công đoàn địa phương và doanh nghiệp đã nắm được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của công nhân để kịp thời động viên, sẻ chia và có biện pháp giải tỏa tâm trạng tiêu cực cũng như những thỏa thuận hợp lý với chủ doanh nghiệp để ngăn chặn việc đình công của công nhân.

Mặc dù sau khi xảy ra hai vụ đình công này, chính quyền địa phương và Liên đoàn Lao động thành phố đã làm việc với chủ doanh nghiệp giải đáp những yêu cầu của công nhân. Và đã có những điều chỉnh từ phía doanh nghiệp theo hướng có lợi hơn cho người lao động, tuy mức tăng về lương hoặc tiền tăng ca, định mức sản phẩm không nhiều nhưng phần nào giải tỏa nỗi lo của công nhân. Tuy nhiên, từ sự việc này, cho thấy, Công đoàn các cấp cần phải sâu sát hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, làm sao những quyền lợi của người lao động đến với họ đúng quy định của Nhà nước và giúp họ có một cuộc sống tốt hơn.
 
Nhà nước đã giao quyền và trách nhiệm cho Công đoàn các cấp trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, nếu làm tròn trách nhiệm, sâu sát với thực tế thì việc doanh nghiệp né tránh, chậm trễ thực hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động sẽ được hạn chế. Doanh nghiệp dù là trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài khi đóng trên địa bàn thành phố hay bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam đều phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước ta. Chính vì vậy, nếu những chính sách, chế độ do Nhà nước quy định đối với công nhân không được thực hiện đầy đủ và kịp thời thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và Công đoàn phải thay mặt công nhân đòi hỏi những quyền và lợi ích mà họ đáng được hưởng.

Công nhân cùng với nông dân, trí thức là những lực lượng chính làm nên sự thành công trong các cuộc cách mạng để giành và giữ chính quyền. Do vậy, bảo vệ quyền lợi của công nhân chính là bảo vệ cho thành trì của cách mạng. Nếu lực lượng này suy yếu vì những nguyên nhân về kinh tế thì trách nhiệm thuộc về chính quyền trước tiên. Do vậy, để tạo lòng tin của công nhân vào Đảng, chính quyền cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, không để doanh nghiệp bóc lột sức lao động của công nhân. Công nhân - nông dân - trí thức là lực lượng tạo nên sức mạnh của Đảng, chính quyền, nếu chăm lo tốt cho lực lượng này thì chính quyền mới mạnh và người dân cũng sẽ tin tưởng đi theo con đường mà Đảng, chính quyền lựa chọn.

Hà An
;
.
.
.
.
.