Hội nghị trực tuyến về việc triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 do Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức mới đây khiến tôi có nhiều điều suy nghĩ. Nhiều ý kiến xác đáng được đưa ra tại hội nghị để góp phần đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ. Tôi rất tâm đắc với trăn trở của PGS.TS Đặng Kim Vui: “Muốn chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiếng Anh bậc phổ thông trước hết phải chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong các trường đại học”.
Đã là giáo viên của đội ngũ giáo viên tương lai thì chuyên môn phải được chuẩn hóa. Mà việc chuẩn hóa một ngôn ngữ không có con đường nào khác là phải được đào tạo trong một môi trường bản ngữ. Nếu có một thống kê bao nhiêu phần trăm giáo viên khoa sư phạm ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học trên cả nước được đào tạo từ môi trường bản ngữ, thì chắc chắn tỷ lệ đó sẽ là rất thấp. Từ đó dẫn đến hệ lụy là hầu hết giáo viên dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông hiện nay không tạo được môi trường tiếng trong lớp học, chẳng hạn như: giáo viên không hoàn toàn nói tiếng Anh khi đứng lớp, giáo viên phát âm không chuẩn, học sinh bị áp lực học ngoại ngữ như một môn khoa học...
Suy cho cùng, mục tiêu của việc học ngoại ngữ là để sử dụng nó như là một phương tiện giao tiếp, công cụ nghiên cứu, học tập, đọc sách, báo, giống như ngôn ngữ tiếng Việt. Thế nhưng với chương trình và phương pháp đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông hiện nay, suốt 10 năm học ngoại ngữ, từ lớp 3 đến lớp 12, liệu các em học sinh có thể giao tiếp đơn giản hằng ngày bằng ngoại ngữ chứ chưa nói đến khả năng sử dụng ngoại ngữ để học tập và nghiên cứu.
So với Hà Nội, và TP. Hồ Chí Minh, các trường quốc tế bậc tiểu học và trung học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn ở mức sơ khai. Nhiều phụ huynh muốn đưa con em đến các trường quốc tế để có một môi trường học tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai, nhưng họ không dám chắc chất lượng đào tạo của các trường và hơn nữa học phí lại quá cao. Các Trung tâm Anh ngữ quốc tế thiếu nhi tại Đà Nẵng như ILA, Apolo, Fisher’ SuperKids... cũng là một sự lựa chọn để học ngoại ngữ. Các lớp học được chuẩn hóa quy mô không quá 16 học sinh, do giáo viên bản ngữ giảng dạy, nhưng mức phí trung bình từ 180 đến 250 đô-la Mỹ cho một khóa học 10 tuần, mỗi tuần chỉ 2 buổi. Đây quả thực là một thách thức không dễ vượt qua đối với đại đa số học sinh muốn chuẩn hóa việc học ngoại ngữ.
Cũng có một thực trạng là việc chuẩn hóa dạy ngoại ngữ đã được các cơ sở đào tạo thực hiện nhưng chỉ để lấy thương hiệu. Việc mời giáo viên bản ngữ đến dạy chỉ là qua loa, lấy lệ vì chính đội ngũ “giảng viên” đó không phải là giáo viên. Họ chỉ là những tình nguyện viên đến Đà Nẵng làm việc theo chương trình của các tổ chức phi chính phủ hoặc giao lưu văn hóa. Thế nhưng trong rất nhiều trường hợp, họ đã bị bắt cóc trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ học mà không có chuyên môn sư phạm.
Việc định hướng cho con em học ngoại ngữ như thế nào, học ở đâu đang trở nên bức thiết trước nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới ngày càng cao. Không có ngoại ngữ sẽ là một trở lực rất lớn cho thế hệ trẻ trong việc tiếp cận tri thức nhân loại và tham gia trực tiếp vào quá trình toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực.
Do vậy, đề án đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ cần tạo ra một đội ngũ giáo viên bậc phổ thông được đào tạo ngôn ngữ thứ hai thay vì đào tạo ngoại ngữ như hiện nay. Chúng ta bỏ ra nguồn kinh phí đầu tư đào tạo đội ngũ giảng viên ngoại ngữ bậc cao đẳng, đại học nhưng lại tiết kiệm được nguồn chi phí rất lớn từ việc “tầm sư học đạo” nhưng ít hiệu quả của toàn xã hội. Lộ trình dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông nước ta trong nhiều năm qua xem ra vẫn còn loay hoay theo kiểu học để biết nhưng không thể sử dụng.
Thu Phương