.

Liên Chiểu xóa nhà dột

Quận Liên Chiểu đang triển khai chương trình “Xóa nhà dột” cho tất cả hộ chính sách và hộ nghèo có nhà bị dột trên địa bàn quận.

Trong rất nhiều hoạt động “Vì người nghèo”, có thể coi đây là một chủ trương thấm đẫm tình người, được các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ và hưởng ứng.

Được coi là quận công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, là quận có tốc độ đô thị hóa cao, nhưng  người dân Liên Chiểu vẫn còn nghèo. Những năm qua, mặc dù tập trung nhiều nguồn lực để giảm nghèo, nhưng đến năm 2011, toàn quận vẫn còn 2.170 hộ nghèo (trong đó có 20 hộ chính sách-chủ yếu là con liệt sĩ) và 135 hộ đặc biệt nghèo nhóm 2.

Cuộc sống của những gia đình nghèo quanh năm tần tảo đã đành, nhưng bất hạnh hơn là họ phải tá túc trong ngôi nhà không đủ che mưa, nắng. Những đợt mưa dầm dề vừa qua, nhiều nhà không có chỗ để nhóm bếp nấu ăn, đêm về không được ngủ trọn giấc. Người trẻ, khỏe đã khổ, người già cả, ốm đau mười phần khổ hơn.

Toàn quận Liên Chiểu hiện còn gần 1.000 căn nhà tồi tàn như thế.

Để giúp các gia đình chính sách, những hộ nghèo trên địa bàn khắc phục nhà dột, theo báo cáo của quận Liên Chiểu, cần khoảng 10 tỷ đồng, tức bình quân mỗi ngôi nhà cần 10 triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ, trong khi người nghèo cần giúp đỡ nhiều thứ, từ cái ăn, cái mặc, học hành, khám chữa bệnh…

Để giảm áp lực khó khăn về tài chính, quận Liên Chiểu đưa ra lộ trình thực hiện chương trình này trong 5 năm, từ nay đến trước mùa mưa năm 2015. Về kinh phí, ngoài nguồn quỹ “Vì người nghèo”, nguồn bảo đảm xã hội, Quận ủy chủ trương xã hội hóa chương trình theo hướng vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, các tổ chức xã hội, các địa phương - đặc biệt cộng đồng tổ dân phố và nhân dân tham gia. Quận cũng đã thống nhất chủ trương vận động cán bộ, công chức mỗi năm ủng hộ từ 2 đến 3 ngày lương để tham gia chống dột cho các gia đình chính sách và hộ nghèo. Cũng theo kế hoạch, sẽ tổ chức các đêm văn nghệ chủ đề “Cần những tấm lòng nhân ái” với mục đích kêu gọi các nhà hảo tâm, cộng đồng, các doanh nhân chung tay góp sức cùng quận xóa nhà dột cho dân.

Được biết, “Xóa nhà dột” là một trong những biện pháp cụ thể của quận Liên Chiểu hưởng ứng cuộc vận động “Vì người nghèo”. Để thực hiện xóa nghèo hiệu quả, Liên Chiểu đã tiến hành khảo sát lại tình hình các đối tượng nghèo trên địa bàn, từ đó phân loại cụ thể để có chính sách hỗ trợ hợp lý, thiết thực. Trong số 2.170 hộ nghèo trên địa bàn, có thể phân thành 4 nhóm đối tượng. Cụ thể: - Nhóm cần hỗ trợ phương kế làm ăn; - Nhóm cần hỗ trợ về vốn; - Nhóm hỗ trợ đột xuất khó khăn; - Nhóm hỗ trợ thường xuyên là những gia đình không còn sức lao động hoặc bị bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ tiền học thêm.

Cụ thể với từng bước đi, từng đối tượng đã giúp nhiều trường hợp thoát nghèo bền vững. Từ sự giúp đỡ của địa phương, hàng chục hộ gia đình ở Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Minh… đã vươn lên tạo được nguồn thu nhập, từng bước ổn định đời sống. Nét đặc biệt đáng quan tâm trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” ở Liên Chiểu là quận đã lồng ghép nội dung cuộc vận động với việc thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đối với con em các hộ nghèo, quận chỉ đạo mặt trận các phường trích từ quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ các em tiền học phí, chi phí mua dụng cụ học tập, vận động các tổ chức tặng xe đạp nhằm bớt gánh nặng cho gia đình. Ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng, cách giúp người nghèo này của Liên Chiểu mang tính căn cơ, dài hơi, bởi nếu để trẻ thất học do nghèo, thì nỗ lực xóa nghèo không thể bền vững. Cần coi việc đầu tư học tập cho con em những gia đình nghèo là cách thoát nghèo hữu hiệu, chắc chắn nhất.

Có lẽ không có nỗi niềm nào, áp lực nào trong cuộc sống lớn hơn 3 điều mà ông bà ta đã tổng kết: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Chương trình “Xóa nhà dột”, trước hết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo của quận Liên Chiểu đang đáp ứng khát vọng cháy bỏng của người nghèo về điều kiện sống. Hy vọng, chủ trương này thành phong trào rộng rãi trên địa bàn.

QUÝ LÂM
;
.
.
.
.
.