.

Môi trường bền vững

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau vừa đúng 4 năm lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định từ chối 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 2,5 tỷ USD vì lo ngại ô nhiễm môi trường, thì có thông tin các nước thành viên ASEAN đã nhất trí bình chọn Đà Nẵng là một trong 10 thành phố của khu vực đạt giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN!
 
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì đó không phải là sự ngẫu nhiên, mà hai sự kiện này mang tính hệ thống trong mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường” của Đà Nẵng đã đặt ra từ nhiều năm nay, với hướng đi đúng đắn và sự quyết tâm mạnh mẽ khi chọn lựa sự bền vững với môi trường, sự đối xử thân thiện với môi trường làm trọng tâm phát triển của mình.

Đây là sự lựa chọn bắt đầu từ ưu thế của một thành phố trẻ, thấm thía trước những mất mát từ việc nóng vội trong phát triển kinh tế - xã hội để rồi dẫn đến những hậu quả khôn lường, nhất là về môi trường mà một số địa phương đã vấp phải. Sự lựa chọn đó bắt nguồn từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về chất lượng phát triển đô thị trong thời đại công nghiệp, ở một đất nước vừa mới được xem là thoát ra khỏi nhóm kém phát triển - nơi mà nhiều thứ lạc hậu được các nước phát triển đổ vào bằng các hình thức khác nhau. Trong đó, có công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc “lắc đầu” trước hai dự án FDI trị giá 2,5 tỷ USD sản xuất thép và bột giấy vì công nghệ không bảo đảm cho việc gìn giữ môi trường là một trong nhiều ví dụ cho thấy quyết tâm đi theo con đường đã lựa chọn trong phát triển đô thị của Đà Nẵng. Mặc dù lúc đó đang là thời điểm cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương nhằm tìm kiếm cơ hội thu hút vốn FDI.

Đây cũng là thông điệp rằng, không chỉ bảo đảm về mặt môi trường tự nhiên, mà Đà Nẵng cũng muốn tạo nên một môi trường xã hội lành mạnh thông qua việc chọn lọc, thu hút vốn đầu tư bằng chính nội lực - chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính của mình, chứ không đơn thuần chỉ là ưu thế về vị trí địa lý, tài nguyên đất đai, về chính sách ưu đãi thuế... để thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đây mới chính là điểm mấu chốt của việc tạo lập một “Thành phố môi trường” mà Đà Nẵng xác định phải đạt được vào năm 2020; được Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố một lần nữa khẳng định qua hình tượng xây dựng “Thành phố đáng sống”!

Tuy nhiên, giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN cũng gợi ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Đó là bên cạnh những chủ trương, chính sách đúng đắn của lãnh đạo, thì phải có đội ngũ tham mưu, triển khai thực hiện một cách quyết liệt, là phải có sự đồng lòng của toàn dân trong thực hiện các chủ trương xây dựng thành phố môi trường. Đó là sự bền vững từ đồng thuận cao mà từ trước đến nay đã trở thành bài học kinh nghiệm quý báu rút ra qua quá trình xây dựng, phát triển thành phố trên nhiều lĩnh vực cần tiếp tục được phát huy.

Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN còn cho thấy sự cần thiết trong gắn kết chuỗi bảo vệ môi trường mang tính khu vực và toàn cầu. Bởi, những yếu tố tác động đến môi trường, kể cả tự nhiên và xã hội, không còn mang tính khu biệt ở những vùng địa lý, quốc gia, dân tộc, tôn giáo... mà đã mang tính toàn cầu trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Một Đà Nẵng không thể bền vững về môi trường cho riêng mình, khi các địa phương lân cận, vì một lý do nào đó, không có những giải pháp tích cực, mạnh mẽ và hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Một Đà Nẵng không thể giữ được hình ảnh về môi trường du lịch thân thiện của Việt Nam đối với thế giới, nếu một địa phương hoặc cá nhân nào đó có những hành động “ăn xổi ở thì” trong hoạt động du lịch...
 
Đó là chưa nói, nhiều yếu tố tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo nên hiệu ứng toàn cầu-giống như hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng... tác động tiêu cực đến con người nói riêng và hành tinh chúng ta nói chung. Khi đó, một vài đô thị được xem là “bền vững về môi trường” sẽ không còn bền vững nữa.

Vì thế, sự cần thiết là luôn phải tạo kết nối bền vững trong bảo vệ môi trường - trong đó trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi địa phương và mỗi cá nhân đều rất cụ thể!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.