.

Thu hẹp khoảng cách y tế các tuyến

Toàn ngành Y tế thành phố hiện có 3.359 cán bộ, nhân viên. Trong đó, tuyến thành phố có 333 bác sĩ, dược sĩ; tuyến quận, huyện có 171 bác sĩ; tuyến xã, phường chỉ có 36/56 Trạm Y tế có bác sĩ. Hiện nay vẫn còn thiếu hơn 200 bác sĩ so với nhu cầu thực tế khám chữa bệnh cho người dân.
 
Cần bổ sung nhất vẫn là tuyến quận, huyện và xã, phường. Chuyện thiếu bác sĩ không chỉ gây áp lực trong công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế mà còn gây trở ngại trong việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ. Đặc biệt, đây là nguyên nhân gây quá tải tuyến y tế thành phố dẫn đến những phiền hà cho người bệnh do phải chờ đợi. Trong khi bác sĩ vừa nhận nhiệm vụ khám bệnh nội trú bên trong vừa khám bên ngoài. Có lúc một bác sĩ phải khám từ 70 đến 100 lượt người bệnh/ngày sẽ tạo ra những hạn chế trong vấn đề chẩn đoán và điều trị bệnh.

Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trên, ngành Y tế đã kết hợp việc thực hiện luân chuyển cán bộ theo Đề án 1816 của Bộ Y tế và thực hiện 2 Quyết định của UBND thành phố về biệt phái viên chức ngành y tế và thực hiện chính sách ưu đãi đối với bác sĩ về công tác tại tuyến y tế xã, phường. Chỉ riêng Đề án 1816, toàn thành phố đã tổ chức nhiều đợt luân phiên bác sĩ từ Bệnh viện Đà Nẵng về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến quận, huyện. Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết các bệnh viện đa khoa quận, huyện đã có bước chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt đã triển khai có hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật ngoại khoa, sản khoa và hồi sức cấp cứu.
 
Riêng 9 tháng đầu năm 2011, hơn 40 kỹ thuật được chuyển giao với tổng số 9.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị cho tuyến dưới. Qua đó, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến thành phố đã giảm xuống, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện quận, huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Những mục tiêu mà Đề án 1816 đề ra bắt đầu cho thấy những hiệu quả, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở. Tuy vậy, để có thể phát huy hiệu quả tối ưu của Đề án này, cần tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong những năm qua.

Đó là tình trạng quá tải tiếp tục diễn ra tại bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận, huyện dẫn đến việc bố trí cán bộ luân phiên hạn dài ngày cho bệnh viện tuyến dưới và trạm y tế chưa thể thực hiện được. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại các bệnh viện tuyến dưới bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị cần thiết để triển khai kỹ thuật theo kiểu cầm tay chỉ việc. Có nơi đang trong quá trình xây dựng, đầu tư nên chưa thể triển khai chuyển giao kỹ thuật ngay mà phải chờ đợi sau khi các công trình hoàn thành.

Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu sự chuẩn bị chu đáo của nơi được tiếp nhận kỹ thuật. Nguyên nhân là tình trạng thiếu bác sĩ tiếp diễn trong nhiều năm qua nên việc điều động cán bộ y tế đi đào tạo các kỹ thuật cơ bản gặp khó khăn. Thậm chí có đơn vị vì phải bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn nên không thể cử cán bộ tham gia các lớp học tập trung hoặc có đăng ký nhưng không tham gia học đầy đủ phần thực hành… Đối với tuyến xã, phường, do điều kiện đãi ngộ cho đội ngũ bác sĩ tăng cường còn hạn chế, bác sĩ về xã gặp nhiều khó khăn về nơi ăn nghỉ, phương tiện làm việc nên hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Đến nay, vẫn chưa có bác sĩ về Trạm Y tế xã của huyện Hòa Vang theo chế độ ưu đãi triển khai thực hiện từ năm 2008.

Một nhiệm vụ quan trọng của các bác sĩ đi luân phiên là phải tham gia tích cực vào các hoạt động y tế cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết cách tự bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm thường gặp tại địa phương như sốt xuất huyết, cúm, tiêu chảy cấp… Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa được nhiều địa phương triển khai trong thời điểm dịch bệnh tay-chân-miệng đang âm ỉ lây lan trong cộng đồng.

Có một thực tế khách quan khá thuận lợi mà ngành Y tế thành phố có thể lý giải cho việc thiếu bác sĩ ở tuyến xã, phường đó là quy mô dân số dưới 1 triệu người, khoảng cách từ trạm y tế xa nhất đến bệnh viện tuyến quận, huyện và thành phố chưa đến 30km nên người dân thường có thói quen bỏ qua tuyến y tế cơ sở. Dẫu vậy, câu chuyện thiếu bác sĩ giỏi và có tâm huyết về làm việc tại những địa bàn vùng nông thôn, miền núi để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang là dấu hỏi lớn đặt ra cho ngành Y tế để lấp đầy những nơi “trắng bác sĩ”. Từ đó tạo sự đồng đều về trình độ, năng lực chuyên môn giữa các tuyến y tế trong thời gian tới.

Diệu Minh
;
.
.
.
.
.