.

Trang phục của sinh viên

Báo Đà Nẵng số ra mới đây có bài viết bàn về chuyện ăn mặc của sinh viên với nhan đề “Nóng mắt” trên giảng đường. Chuyện không mới nhưng có lẽ nguyên do là cái nỗi chướng nhìn, nóng mặt ngày càng nhiều đang xảy ra trên mọi giảng đường (trong cả nước) mà dư luận không thể không bàn đến!

Trước hết, có thể thống nhất với nhau rằng sinh viên luôn đồng nghĩa với trẻ - đẹp và là tinh hoa theo đúng nghĩa của từ này: Họ là tầng lớp có học vấn, văn hóa cao nhất trong thế hệ trẻ và họ cũng là những người nắm bắt nhanh nhất mọi thay đổi, phát triển của thời trang (kể cả ăn mặc, chọn nhạc, phim...). Chính vì thế, việc dư luận xã hội chưa theo kịp những đổi thay nhanh chóng của thời đại mà thế hệ trẻ là những đại diện tiêu biểu nhất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù có lý giải theo cách nào đi nữa thì các giá trị thẩm mỹ luôn có điểm chung trong đa số cộng đồng. Những tiêu chí bất thành văn, quan niệm về cái đẹp, cái được xã hội đồng thuận làm nên những tập tục, thói quen, ứng xử văn hóa.

Trong khi đó, như đã nói ở trên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng là tầng lớp tinh hoa của xã hội ngày mai, nên ngoài trách nhiệm sống với tư cách là một tầng lớp “thành viên”, họ còn có bổn phận tham gia vào sự điều chỉnh, định hướng các chuẩn mực tích cực; sao cho, vừa góp phần gìn giữ những nét đẹp của bản sắc dân tộc vừa góp phần “gạn đục khơi trong” những giá trị văn hóa ngoài dân tộc để làm phong phú hơn các nét đẹp xã hội đã và đang được tiếp nhận, giao thoa.

Trong giới trẻ đang có quan niệm cho rằng cứ mới là tốt(!) đã làm cho lối sống của một bộ phận thanh niên trở nên lệch lạc. Chẳng hạn, nếu nữ sinh viên mặc quá hở hang thì dù muốn hay không, khi giáo viên nhìn xuống lớp vẫn buộc phải thấy những điều lẽ ra không nên thấy! Tại sao những sinh viên ấy không nghĩ rằng cách ăn mặc quá gợi cảm (nếu không muốn dùng từ khác nặng hơn) đã làm phiền mọi người, gây khó xử cho thầy giáo, bạn bè? Những cái quần mặc quá trễ, những cái áo quá ngắn, những dòng chữ khiêu khích trên áo như I like big (tôi thích to); I want... (tôi muốn)..., là sự không thể chấp nhận dù là trong văn hóa học đường hay văn hóa cộng đồng? Sự “khác người”, muốn nổi trội hay tìm cách để khẳng định cái tôi, cái khác biệt bằng cách ăn mặc phản cảm thực ra là sự kệch cỡm, thiếu nhận thức.

Nhằm góp phần chấn chỉnh lại văn hóa ăn mặc của sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã có những quy định cụ thể về trang phục, chẳng hạn buộc sinh viên nữ phải mặc áo dài trắng, sinh viên nam sơ-mi trắng bỏ trong quần vào các ngày nhất định. Đây là một chỉ dẫn có thể hiểu nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn thích hợp. Dù sao, cũng phải thấy rằng áp đặt áo dài cho tất cả nữ sinh khi không ít người quá thấp hoặc quá béo lại là một sự phản cảm được cộng hưởng từ công thức đồng loạt hóa. Thiết nghĩ rằng nên quy định ít nhất là hai loại trang phục cho sinh viên tự chọn theo thể hình thích hợp bởi vì các điều tra xã hội học cho thấy chỉ có 10% phụ nữ đẹp hơn khi mặc... áo dài!

Trang phục mới chỉ là một phần rất nhỏ của văn hóa. Các “bài toán” của trang phục chỉ có thể giải được đúng và đủ nếu chúng đi kèm với việc giáo dục ý thức cộng đồng, các giá trị văn hóa cũng như vai trò của Đoàn Thanh niên trong các buổi sinh hoạt chung. Suy cho cùng, cái đẹp được xã hội chấp nhận chính là tạo nên sự thoải mái, dễ chịu cho đại đa số cộng đồng. Không thể coi là mode hay thời trang sành điệu nếu chúng ta đẩy các giới hạn của sự phá cách - vi phạm thuần phong mỹ tục đi quá xa...

Hà Văn Thịnh
;
.
.
.
.
.