.

Bài toán giao thông ở Đà Nẵng

Không như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, kẹt xe hàng giờ đồng hồ ở Đà Nẵng là chuyện hy hữu. Song, người dân Đà Nẵng cũng bắt đầu ngán ngẩm chuyện kẹt xe, dù chỉ là kẹt xe cục bộ.

Vào những giờ cao điểm, nhiều người dân Đà Nẵng ngại ra đường. Các tuyến đường Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh (gần ngã tư Lê Đình Dương và Nguyễn Văn Linh nối dài), Lê Duẩn, Pasteur, Trần Bình Trọng và những đoạn đường có các trường học… trở nên ách tắc. Không ít người điều khiển xe máy đã phải chạy xe lên vỉa hè để đi. Nguyên nhân ách tắc được cho là do ngày càng nhiều người sử dụng ô-tô, taxi có khi ngang nhiên dừng giữa đường để đón hoặc trả khách, học sinh đi bộ tràn xuống lòng đường… Ở những đoạn đường có 2 ô-tô đậu song song, thêm 2 ô-tô ngược chiều nhau đi tới cùng với lượng xe máy thì đương nhiên tắc đường. 

Nguyên nhân kẹt xe thì nhiều, nhưng nỗ lực để giải quyết bài toán này không chỉ đòi hỏi từ phía các ngành chức năng mà còn phải có sự chung tay của những người tham gia giao thông. Bởi lẽ, không thể không có sự phối kết hợp giữa người cầm còi và người chấp hành luật; không thể không có sự phối kết hợp giữa người nhạc trưởng và các thành viên trong dàn nhạc để tạo ra bản giao hưởng không bị lạc nhịp, lạc điệu.

Song, kẹt xe ở Đà Nẵng chỉ mới là ách tắc cục bộ, chứ chưa đến mức nan giải như ở 2 đầu đất nước. Tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã gây bức xúc cho người dân, đồng thời thường xuyên là đề tài nóng bỏng trong xã hội cũng như trên nghị trường Quốc hội. Phương án điều chỉnh giờ học và giờ làm của Hà Nội do Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất đang gây tranh cãi vì cho rằng không phù hợp. Phương án lệch giờ của thành phố Hồ Chí Minh từ 10 năm nay vẫn phải tiếp tục nghiên cứu. Còn nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì phải tổ chức cho người dân có thể đi lại bằng các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở hạ tầng không thay đổi, cả phương tiện cá nhân và công cộng hiện cùng phát triển thì chuyện tháo gỡ ách tắc hiển nhiên là bài toán khó. Hàng loạt giải pháp đưa ra nhưng dường như chỉ xuất phát từ góc nhìn phía người dân… Vì vậy, vấn đề đã khó lại càng khó.

Trong khi đó, Đà Nẵng được xem là thành phố lý tưởng và thông thoáng để đi lại, nhưng nếu không có phương án hiệu quả ngay từ bây giờ thì “kịch bản” ùn tắc của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ được xuất hiện tại thành phố động lực của miền Trung. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX đã khẳng định: “Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành một thành phố hấp dẫn và đáng sống”. Vậy thì để trở thành “thành phố hấp dẫn và đáng sống”, bên cạnh nhiều vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự, cơ sở hạ tầng…, yếu tố giao thông cũng góp phần quan trọng không kém để làm cho thành phố càng trở nên hài hòa, hấp dẫn, an toàn và đáng giá hơn không chỉ đối với người dân, mà còn cho cả du khách.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.