Hiện nay, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đang lay hoay với món nợ BHXH từ các doanh nghiệp. Ngành BHXH thành phố đã tiến hành nỗ lực kiểm tra, truy thu 31 đơn vị, doanh nghiệp với số tiền trên 7 tỷ đồng, nhưng con số nợ đọng vẫn còn quá nhiều.
Theo con số vừa được một số cơ quan báo chí đề cập, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có trên 710 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền gần 75 tỷ đồng. Những đơn vị làm ăn có lãi nhưng số nợ vẫn rất lớn như Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ nợ 44,1 tháng lương và hơn một tỷ đồng; Công ty TNHH Minh Hưng nợ tới 204,63 tháng lương…
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nợ BHXH tràn lan, kéo dài như vậy?
Theo một số cán bộ BHXH, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn thật sự trong sản xuất kinh doanh, không đủ tiền trang trải mọi chi phí, trong đó có BHXH cho người lao động. Nhưng cũng có những đơn vị, doanh nghiệp xem thường, bất hợp tác, chây ì và tìm mọi cách để lẩn tránh việc đóng BHXH cho người lao động. Đây mới là tình trạng đáng quan tâm nhất.
Ở một bộ phận người lao động, do phải mưu sinh, cố giữ việc làm, hoặc thiếu sự hiểu biết về pháp luật nên ít quan tâm đến việc đòi hỏi chủ doanh nghiệp đóng BHXH cho mình. Ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, việc quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát hữu hiệu nên nhiều doanh nghiệp vẫn còn trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với người lao động. Hiện nay có không ít đơn vị, doanh nghiệp “ma”, số lao động “ma” nhưng cách xử lý ra sao vẫn còn lúng túng.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn mà còn làm cho người lao động thêm thiệt thòi khi giải quyết chính sách bảo hiểm.
Nên chăng, Nhà nước sớm ban hành chế độ xử phạt mạnh hơn, nặng hơn cho thanh tra BHXH khi các đơn vị, doanh nghiệp chây ì nộp BHXH; đồng thời tăng mức lãi tiền nợ BHXH do nộp chậm như ngành thuế hiện nay đang áp dụng nhằm tăng tính tự giác của đơn vị , doanh nghiệp.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động nắm được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, để thực hiện việc đóng BHXH và giám sát quá trình này một cách thường xuyên. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước hay các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân hoạt động có số lao động lớn, có tổ chức xã hội như Công đoàn thì quyền lợi của người lao động được chăm lo tương đối tốt. Trong khi đó nhiều đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít lao động, không có tổ chức xã hội nên thiếu hẳn sự quan tâm này. Đây là vấn đề mà ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, ngành BHXH cùng với các ngành chức năng khác quan tâm theo dõi kiểm tra, đôn đốc, để cho mọi lao động đều được đóng BHXH, bảo đảm quyền lợi lâu dài cho họ.
Ngành BHXH cần có kế hoạch tổng kiểm tra việc đóng BHXH trên địa bàn. Qua đó nắm lại toàn bộ các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động, để từng bước đưa vào kiểm tra giám sát thường xuyên việc đóng BHXH. Cần có những biện pháp cứng rắn đối với những đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH chây ì kéo dài như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần thiết tiến hành khởi kiện ra tòa mà một số nơi đã thực hiện.
Tuyết Minh