Câu chuyện công bố hay không dịch tay-chân-miệng (TCM) đã trở thành đề tài gây tranh cãi. Diễn tiến bệnh TCM đang ngày càng phức tạp. Chỉ trong một tuần, cả nước ghi nhận thêm 2.622 ca mắc tại 56 địa phương, nhưng lại có 2 cách xử lý thông tin khác nhau khiến nhiều người suy ngẫm.
Việc thứ nhất, Ninh Thuận không phải là “điểm nóng” của dịch bệnh TCM nhưng lại công bố dịch. Trong khi đó, hàng loạt các tỉnh phía Nam, mỗi tỉnh đều có số ca mắc TCM lên tới hàng nghìn đến hàng chục nghìn ca và số bệnh nhân tử vong cũng lên tới hàng chục ca nhưng vẫn khẳng định dịch kiểm soát được, chưa cần phải công bố dịch.
Qua sự việc, có thể nói Ninh Thuận đã có cái nhìn không né tránh về dịch bệnh nguy hiểm TCM. Bởi lẽ, mục đích của công bố dịch không phải để người dân hoang mang, lo lắng mà là cơ sở để các cấp, các ngành và địa phương xác định trách nhiệm, từ đó khẩn trương triển khai những biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch. Mục tiêu là phải giảm số ca mắc mới, hạn chế tử vong, tổ chức tốt công tác điều trị bệnh nhân, hạn chế bệnh dịch lây lan. Đây chính là những động lực thúc đẩy việc công bố dịch bệnh tại Ninh Thuận.
Diễn biến không nóng, tử vong không cao như tại Ninh Thuận, nhưng ngành Y tế thành phố Đà Nẵng cũng trong bối cảnh tập trung cao độ để ngăn chặn dịch bệnh TCM lây lan trong trẻ nhỏ, đặc biệt là giảm tình trạng lây nhiễm chéo trong trẻ nhỏ khi tới các cơ sở điều trị. Dù vẫn chủ động và kiểm soát dịch ở mức số ca mắc mới thấp, tử vong rất ít, nhưng rút kinh nghiệm của dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố với hơn 4.500 ca mắc trong năm 2010, ngành Y tế thành phố cần huy động tổng lực để mọi người dân tham gia phòng, chống bệnh TCM. Bởi khó khăn riêng đối với bệnh TCM là không có vaccine ngừa và chưa có thuốc đặc trị. Khả năng tử vong khi nhiễm Entero virus 71 vẫn rất lớn nếu công tác phát hiện, giám sát, thu dung điều trị chưa được chuẩn bị đầy đủ nhất.
Trở lại chuyện công bố dịch, trong thời gian qua, hầu như tuần nào, tháng nào, Bộ Y tế cũng đưa ra những con số thống kê số ca mắc TCM trên cả nước tăng vùn vụt nhưng vẫn nói chưa cần phải công bố dịch và phải chờ có 2 tỉnh trở lên làm điều này thì Bộ mới công bố. Còn những phụ huynh có con nhỏ dưới 5 tuổi trên khắp cả nước như ngồi trên đống lửa vì sợ con mình mắc bệnh. Trường học có nơi đóng cửa vì sợ dịch bệnh lây lan không kiểm soát được.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn báo giới vẫn khẳng định: Địa phương công bố dịch hay không do địa phương quyết định, điều này đã được quy định rõ trong luật. Do vậy, Bộ Y tế không thể ép buộc địa phương này không được công bố dịch hoặc bắt địa phương kia phải công bố dịch. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 0,9/10.000 người dân có dịch, nên chưa phải công bố dịch trên toàn quốc.
Câu hỏi đặt ra trong lúc này là sẽ cần có thêm bao nhiêu đứa trẻ nữa mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh TCM mới đủ các điều kiện để công bố dịch trên toàn quốc. Bởi hiện tại, cả nước đã có hơn 87.500 ca mắc, 147 trẻ tử vong tại 28 tỉnh, thành phố. Nếu sau Ninh Thuận có thêm một tỉnh nữa dũng cảm công bố dịch thì Bộ Y tế có dám công bố dịch như quy định hay không? Sẽ phải chờ thêm vài ngày nữa. Song, với tình hình hiện nay, vài ngày nữa cũng có nghĩa là hàng trăm trẻ em sẽ đổ bệnh. Bệnh viện tiếp tục quá tải vì bệnh nhân nhi. Và cũng có thể có thêm vài ca tử vong do bệnh này gây ra.
DIỆU MINH