Báo Đà Nẵng ngày 7-11-2011 có các bài viết “Vay vốn với lãi suất phù hợp không dễ” và “Lãi suất liên ngân hàng tăng nóng”. Dù nhìn ở góc độ doanh nghiệp hay các tổ chức tín dụng, thì thực tế diễn ra đang phản ánh bức tranh bất ổn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Tất cả các hoạt động và tình trạng gần đây của các ngân hàng đều là phản ứng kinh tế, hoặc gọi là hành vi kinh tế ở mức doanh nghiệp (hoạt động kinh tế kinh doanh). Các dạng phản ứng này là kết quả tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó tích tụ từ 2 nguyên nhân chính: việc cấp phép thành lập ngân hàng quá dễ dãi, hay quá trình “đẻ non” các ngân hàng thương mại trong những năm 2007-2009 và tiếp theo là một số vấn đề nảy sinh do gói kích cầu của Chính phủ năm 2009.
Đến cuối năm 2007, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho ra đời hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần, trước đó 10 năm NHNN không hề cấp giấy phép thành lập cho bất cứ ngân hàng nào. Tập đoàn kinh tế nào cũng muốn mở ngân hàng để chủ động về nguồn vốn, phát triển quy mô chiều rộng, mở rộng mạng lưới quá nhanh nhưng khách hàng chưa có, thu không đủ bù chi. Chưa đối phó xong với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường tín dụng trong nước, các ngân hàng thương mại lại phải tiếp tục bị áp đảo bởi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Có quá nhiều ngân hàng thương mại hoạt động kém hiệu quả và NHNN đã khuyến khích việc liên kết để nâng cao nội lực nhưng không mấy ngân hàng thương mại thực hiện khuyến cáo này.
Theo Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 26-1-2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 141/2006/NĐ-CP, đến ngày 31-12-2011, các tổ chức tín dụng được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải có biện pháp bảo đảm số vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Nếu các tổ chức tín dụng chưa bảo đảm mức vốn pháp định theo quy định, NHNN không xem xét mở rộng mạng lưới hoạt động. Sau ngày 31-12-2011, NHNN xem xét quyết định xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức tín dụng không bảo đảm mức vốn pháp định. Đây quả là sức ép quá lớn đối với nhiều ngân hàng thương mại nhỏ có vốn điều lệ từ 1.000-1.500 tỷ đồng. Thời điểm 31-12-2011 gần kề, sức ép này đang dẫn tới khả năng liên kết, sáp nhập hệ thống của các ngân hàng nhỏ.
Gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ trong năm 2009 để hạ nhiệt lạm phát được đánh giá đã mang lại một số hiệu quả nhất định, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, giúp kinh tế nước ta thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, gói kích cầu cũng để lại một số tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Dòng vốn kích cầu bị lái vào đầu cơ bất động sản, hoặc chứng khoán do hành vi trục lợi ngay trong nội tại các tổ chức tài chính, tín dụng. Nhiều ngân hàng đã không hoạt động theo nghiệp vụ ngân hàng mà chạy theo nhu cầu ảo của thị trường khi đem vốn huy động để đầu tư vào các hoạt động rủi ro cao như bất động sản, vàng hoặc cho vay lấy lãi suất cao. Nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, dẫn đến vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng và ngân hàng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tại thành phố Đà Nẵng, thị trường bất động sản đóng băng gần nửa năm nay cũng đang nằm trong mức báo động về tình hình nợ xấu. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang chao đảo sau làn sóng vỡ nợ hàng loạt trên toàn quốc khi thị trường bất động sản tụt dốc đã làm lộ rõ ra các ngân hàng có thanh khoản kém.
Trước khả năng yêu cầu thanh lọc những tổ chức tín dụng yếu kém, nhiều ngân hàng thương mại nhỏ càng gặp khó khăn trong huy động vốn do nguồn vốn tự chảy về các ngân hàng thương mại lớn để giảm rủi ro. Các ngân hàng thương mại lớn cũng chọn giải pháp an toàn là hạ hạn mức cho vay đối với các ngân hàng thương mại nhỏ. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng đã tăng nóng trong thời gian gần đây.
Vậy thực tế các ngân hàng thương mại nhỏ có sáp nhập hay không? Thông tin này cần sớm được làm rõ để giảm sự căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Dù sáp nhập hay không thì vẫn cần một quá trình tái cơ cấu lại khu vực ngân hàng để bảo đảm có những tổ chức tín dụng “khỏe mạnh” đáp ứng các chính sách tiền tệ linh hoạt và tái cấu trúc nền kinh tế đất nước theo hướng phát triển bền vững.
THU PHƯƠNG