.

Cội nguồn của phát triển

Mới đây, khi tâm sự về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nguyên Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, ấn tượng nhất trong chặng đường 25 năm thành lập và phát triển của ngôi trường vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất này, chính là khi lãnh đạo quyết định chọn khu đất bên bờ sông Hàn thơ mộng để xây dựng ngôi trường chuyên này.

Bởi, việc đi về và học tập hằng ngày bên dòng sông thơ mộng sẽ để lại những kỷ niệm ngọt ngào và thân yêu nhất của thời hoa niên mỗi con người. Từ đó, bên cạnh sự giàu có về kiến thức, thì trong mỗi học trò của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ nuôi dưỡng và làm giàu thêm tình cảm gắn bó với thành phố quê hương - một thứ tình cảm thiêng liêng trong tâm hồn của mỗi người Việt. Từ đó, khi bắt đầu trưởng thành, được đào tạo bài bản, mỗi học trò ngày xưa của ngôi trường thân yêu bên dòng sông thơ mộng ấy có động lực cao hơn để gắn bó với thành phố của mình, để cống hiến nhiều hơn trong điều kiện có thể của mình, để những lúc gặp khó khăn, sẽ không tính toán đến thiệt thòi, hơn thua.

Chính vì thế, khi đến thăm trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tiếp tục khẳng định rằng, mục tiêu quan trọng nhất của trường là đào tạo cho được những thế hệ cán bộ cho thành phố Đà Nẵng. Những cán bộ đó không chỉ có nền tảng kiến thức vững vàng, năng động để đưa thành phố hội nhập nhanh và phát triển bền vững mà phải có nhiệt huyết thực sự - một nhiệt huyết bắt nguồn từ tình cảm gắn bó ở tuổi học trò trong ngôi trường này. Có như thế, thì động cơ phấn đấu mới trong sáng, động lực cho công tác mới thực sự vững bền. “Tôi quan tâm từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có bao nhiêu cán bộ thực sự xuất sắc trong thực tiễn. Lãnh đạo thành phố nhắm vào đó để đánh giá chất lượng dạy và học của nhà trường”, đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định.

Để làm được điều đó, theo lãnh đạo thành phố, thì từ chính đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường phải tâm huyết trong việc chú trọng phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố thực sự xuất sắc nhằm huấn luyện đào tạo thành người giỏi, có tâm và có tầm, có đủ năng lực làm lãnh đạo xuất sắc. Bên cạnh đó, nhà trường phải nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực để có sự định hướng đúng đắn, kịp thời cho học sinh của trường trong đào tạo đại học, sau đại học; từ đó tạo mũi nhọn cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong tương lai gần. Gửi gắm điều đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng, chính là do không có trường nào có điều kiện tìm người xuất sắc nhiều như ngôi trường bên dòng sông Hàn này.

Điều đó đã được TS Nguyễn Đình Vĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cụ thể hóa trong diễn văn nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đó là, từ trong những ngày gian khó của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), Trường Năng khiếu cấp 2-3 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập nhằm bồi dưỡng nhân tài cho địa phương chỉ với vỏn vẹn 38 cán bộ, giáo viên và 58 học sinh ở 5 bộ môn chuyên. Đến năm học 2004-2004, một mốc son mới là trường được chuyển về một cơ sở mới khang trang, rộng rãi, với hệ thống phòng học lý thuyết và thực hành hiện đại, đầy đủ tiện nghi, gần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực... Đến nay, nhà trường có 2 tiến sĩ; 3 nghiên cứu sinh, 63 thạc sĩ; 2 đang học cao học; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.
 
Với sự đầu tư mạnh mẽ và có mục tiêu lâu dài đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã ghi những dấu ấn trong thành tích hoạt động của mình. Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT của trường liên tục đạt 100% với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt gần 90%. Kết quả trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt trung bình trên 95% với 108 thủ khoa cấp khoa và trường. Đến nay, học sinh của trường đã đạt được 14 giải Olympic Quốc tế, 5 giải Olympic châu Á, 784 giải quốc gia, 8.237 giải thành phố; 230 huy chương Hoá học Hoàng gia Úc... Đặc biệt, trường là nơi cung cấp tuyệt đại đa số học viên cho các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong những năm gần đây. Đó chính là những sản phẩm cụ thể nhất, thuyết phục nhất để đánh giá chất lượng của nhà trường như lãnh đạo thành phố đã ghi nhận.

Chính từ cơ sở đó, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng, với kiến thức vững vàng, với tình cảm yêu thương gắn bó với quê hương được bồi đắp từ thuở hoa niên, những học trò từ ngôi trường bên sông Hàn thơ mộng, sẽ thực sự là những cán bộ xuất sắc, có tâm huyết với sự phát triển của thành phố trong một tương lai không xa.

Thứ tình cảm được bồi đắp đó, chính là cội nguồn cho sự phát triển!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.