.

Dạy học bằng tình yêu thương

Câu chuyện giáo viên dạy học trò bằng những lời phản cảm được đăng tải trên các phương tiện thông tin vào những ngày qua thật sự là hồi chuông cảnh báo về sự chuẩn mực của những người đứng trên bục giảng.
 
Với trần tình mới nhất của cô giáo Trần Thị Minh Châu, chưa rõ thật hư câu chuyện như thế nào, nhưng đây không phải là vấn đề của riêng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) - nơi cô Châu đang giảng dạy - mà là bài học của tất cả thầy, cô giáo trên cả nước rằng, điều cần thiết nhất và quan trọng nhất là dạy học trò bằng tình yêu thương. 

Xã hội đang bàn rất nhiều về đạo đức và cách dạy học của người thầy bởi môi trường giáo dục ở nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng hình thành, phát triển nhân cách của một con người. Dẫu biết áp lực ngày nay đối với người giáo viên rất lớn; vừa quay cuồng với nỗi lo cơm áo, gạo tiền; vừa bảo đảm chương trình dạy học theo yêu cầu; rồi dự giờ, thao giảng, đánh giá chất lượng dạy và học; vừa giáo dục, uốn nắn học trò và không phải học trò nào cũng ngoan, nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn cảnh mà quên đi thiên chức và trách nhiệm của người thầy.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, dạy học thời nay khó gấp bội lần bởi nếu đánh học trò thì có thể bị kiện, còn đuổi học trò ra khỏi lớp hay đuổi học hẳn đều là những biện pháp bất đắc dĩ. Không ít sinh viên Sư phạm dù được trang bị những bài học tâm lý học lứa tuổi nhưng đã tỏ ra nản lòng. Không ít học sinh và gia đình không muốn con mình chọn nghề giáo. Song, vẫn không thể phủ nhận suy nghĩ và quan niệm từ bao đời nay: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Phải yêu nghề, yêu trường, yêu lớp và yêu học trò lắm mới có thể đi hết chặng đường gian nan này.

Trong giờ Địa lý ở Trường THPT Phan Châu Trinh (thành phố Đà Nẵng), một học sinh giỏi đã mang vở bài tập tiếng Anh ra làm vì em còn sót một bài tập ở nhà. Cô giáo phát hiện, tịch thu vở, ghi tên em vào sổ đầu bài và cho điểm 0 môn Địa lý. Cuối giờ học, em gặp cô giáo để xin lỗi và xin cho em gỡ điểm 0 trong lần trả bài sau. Lần kiểm tra bài sau đó, cô cho em 9 điểm bên cạnh điểm 0 đó. Tuy nhiên, kết thúc học kỳ một, trước Hội đồng, cô giáo vẫn yêu cầu xếp hạnh kiểm của em hạng trung bình. Giáo viên chủ nhiệm không thể bảo vệ cô học trò giỏi trót một lần sai phạm trước lý lẽ hùng hồn của giáo viên bộ môn.
 
Em học sinh giỏi đã bần thần với kết quả xếp loại. Nước mắt chảy dài, em không hiểu vì sao đã nhận lỗi và trả giá bằng một điểm 0, cô giáo đã chấp nhận lời xin lỗi nhưng vẫn không thật sự bỏ qua cho em. Tốt nghiệp ngành Sư phạm, trở thành người dạy học, cô học trò ngày xưa luôn đau đáu với câu chuyện của chính mình thời 16 tuổi nông nổi để tự nhắc nhở rằng, người giáo viên phải bao dung và đối xử với học trò bằng tình yêu thương. Một cái tát của cô giáo có thể là bài học theo học trò suốt cuộc đời, giúp học trò trưởng thành. Một cái tát của cô giáo trong lúc nóng nảy sẽ làm thỏa mãn sự tức giận nhất thời. Nhưng điều đáng nói là cái tát đó lại trở thành nỗi ám ảnh đối với những trái tim non nớt.

Dạy học trò bằng tình yêu thương sẽ có thể cảm hóa được những học trò chưa ngoan, bởi một chân lý giản đơn và dễ hiểu rằng, từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Hiệu trưởng của một trường THPT lớn ở thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc đuổi học là giải pháp cuối cùng, là thất bại của thầy, cô giáo. Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Liên Chiểu chia sẻ: Người làm công tác giáo dục phải tâm huyết và trách nhiệm, chẳng hạn việc vận động học sinh bỏ học ra lớp cần cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng quan trọng nhất là những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo thật sự quan tâm đến các em bằng tình thương và trách nhiệm. Quả thật, tình thương và trách nhiệm là những điều không thể thiếu với mỗi người đang trực tiếp tham gia vào sự nghiệp trồng người.

TÚ PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.