Theo thống kê của Trung tâm Phụ sản-Nhi thành phố Đà Nẵng, trung bình mỗi tháng trung tâm thu dung và điều trị nội trú khoảng 1.600 trẻ em, trong đó riêng số trẻ mắc bệnh hô hấp và đường ruột chiếm 70%.
Các bác sĩ nhi tại trung tâm cho biết, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ thường xảy ra khi thời tiết giao mùa, môi trường nóng lạnh đột ngột, kèm theo khói bụi ô nhiễm môi trường là điều kiện để dịch bệnh bùng phát. Bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cũng phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Ngoài ra, trẻ nhỏ chưa có ý thức giữ vệ sinh, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh, từ môi trường sống và người có bệnh nên càng dễ mắc bệnh.
Riêng đối với bệnh tay - chân - miệng, từ đầu mùa đến nay, trung tâm đã tiếp nhận điều trị 1.090 trường hợp, trong đó có 4 trẻ đã tử vong (Quảng Ngãi: 1, Quảng Nam: 2, Đà Nẵng: 1).
Tại cuộc họp báo ngày 25-10 nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành y tế với các cơ quan truyền thông trong việc đối phó với dịch tay-chân-miệng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh tay-chân-miệng, vệ sinh chặt chẽ là biện pháp có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh. Trong đó, biện pháp có tác dụng nhất là thường xuyên rửa tay.
Vậy thực tế, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh tay lâu nay đã được cộng đồng quan tâm như thế nào? Và chúng ta cần có giải pháp gì để cải thiện cụ thể tình hình?
Lâu nay chúng ta vẫn dạy trẻ rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh... nhưng bản thân nhiều người lớn vẫn chưa thực hiện được. Người lớn làm quá nhiều công việc tiếp xúc với môi trường bẩn như lái xe, sử dụng máy tính, tiếp xúc văn bản, giấy tờ, cầm tiền... nhưng khi tiếp xúc với trẻ thì lại quên rửa tay.
Trẻ em đến trường được giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường bằng việc quét lớp, lau bàn nhưng cũng không được hướng dẫn vệ sinh tay sau khi lao động hoặc không có đồ bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay. Chỉ cần một trẻ mắc bệnh hô hấp thì khả năng lây bệnh hàng loạt trong trường học rất cao.
Các trung tâm y tế, nơi hàng trăm bệnh nhân tập trung khám, chữa bệnh, người nhà thăm nuôi mỗi ngày cũng chính là môi trường thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan.
Nhìn chung thì việc giữ gìn vệ sinh cá nhân vẫn chưa được cộng đồng xã hội quan tâm đúng mức, nên tỷ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp và đường ruột còn rất cao, ngay cả người lớn cũng không tránh khỏi các bệnh mà chúng ta cho là “thường gặp” hay “phổ biến” này.
Để phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng hiệu quả, trước hết cần giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Theo đó, một chiến lược truyền thông về giữ gìn vệ sinh tay cần được ngành y tế phát động trên các phương tiện thông tin đại chúng với phương châm 3 phối hợp “Nhà trường, công sở - địa phương - gia đình”. Người lớn nhắc nhở trẻ em, trẻ em học theo người lớn, tất cả mọi người cùng hình thành thói quen vệ sinh tay. Các nhà khoa học khuyến cáo, nên rửa tay ít nhất 6 lần/ngày. Rửa tay thường xuyên hơn khi có sự thay đổi môi trường như từ trường học, cơ quan, siêu thị về nhà, đi xe công cộng... Phải sử dụng nước rửa tay có chứa ít nhất 30% chất cồn mới có tác dụng diệt khuẩn. Tại các nước phát triển, ở những nơi công cộng như trường học, công sở, bệnh viện đều có gel hoặc foam rửa tay khô để trên bàn làm việc để tất cả mọi người có mặt đều sử dụng nhằm ngăn chặn sự lan truyền virus. Giải pháp này được đánh giá rất cao về khả năng thực thi và ít chi phí.
Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân vừa thể hiện nếp sống văn minh, vừa phòng ngừa dịch bệnh. Chúng ta phát động chiến dịch truyền thông về một vấn đề nhỏ, việc thực hiện ít tốn kém nhưng ý nghĩa xã hội và hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng lâu dài vô cùng to lớn. Khi thói quen đã hình thành, giữ vệ sinh tay sẽ trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi cá nhân trong một xã hội văn minh.
Thu Phương