Thông tin chính quyền thành phố ký kết dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến”, huyện Hòa Vang với sự tài trợ của Quỹ Ấn Độ-Brazil-Nam Phi đã đem đến cho người nông dân nơi đây niềm vui và cũng chất chứa không ít lo toan. Vui vì bà con đã nhận được nguồn tài trợ với số tiền lên đến gần 500.000 USD để sản xuất lúa giống nhưng cũng lo vì chặng đường sắp đến, người nông dân tham gia dự án này phải nỗ lực rất nhiều để tiếp cận với những kỹ thuật mới, những yêu cầu khắt khe hơn trong việc sản xuất lúa giống.
Những năm qua, nông dân Hòa Tiến chủ yếu canh tác dựa vào nguồn lúa giống do chính họ lai tạo, một số gia đình nếu muốn có giống tốt buộc phải mua từ các công ty kinh doanh giống với giá khá cao. Mặc dù lúa giống do nông dân địa phương tự canh tác giúp họ chủ động được đầu vào của quy trình sản xuất, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở địa phương nhưng do thiếu kỹ năng, kỹ thuật nên qua nhiều vụ, dễ bị thoái hóa, sản lượng không cao.
Với nguồn tài trợ của Quỹ Ấn Độ-Brazil-Nam Phi, dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến” tạo động lực mạnh mẽ giúp cho người nông dân nơi đây chủ động hơn trong việc sản xuất lúa giống. Tham gia dự án này, họ có điều kiện tiếp cận với những yếu tố kỹ thuật cần thiết, mang tính khoa học và chuẩn xác để áp dụng vào các quy trình sản xuất lúa giống. Mặt khác, có thể kiểm soát chặt chẽ các khâu chọn giống, sử dụng phân bón, kiểm soát sâu bệnh và xây dựng một thương hiệu lúa giống chất lượng tốt gắn với vùng đất Hòa Tiến.
Tuy nhiên, thách thức đối với người nông dân ở chỗ, họ phải thay đổi những nhận thức, thói quen cũ trong việc sản xuất lúa giống và làm quen với những kỹ thuật mới, đòi hỏi sự chuẩn xác, tính khoa học, sự tỉ mỉ và nhiều công sức hơn. Trong điều kiện đất nông nghiệp ở thành phố Đà Nẵng ngày càng thu hẹp, người nông dân buộc phải lựa chọn phương thức sản xuất nào mang tính hiệu quả trên những diện tích hạn chế. Chính vì vậy, sản xuất lúa giống là lựa chọn khéo léo để người dân chủ động về đầu vào, bảo đảm chất lượng lúa, giảm giá thành đầu tư cho sản xuất và quan trọng hơn nữa là họ có thể bán lúa giống chất lượng tốt với giá thành cao hơn là lúa sản xuất chỉ để làm gạo ăn.
Một dự án mới hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc nâng cao thu nhập của người trồng lúa. Nhưng để dự án này thành công, cần phải có sự bắt tay, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với người nông dân, trong đó, quan trọng vẫn là vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Làm sao để xây dựng chương trình hướng dẫn kỹ thuật một cách khoa học nhưng đơn giản để người nông dân dễ tiếp thu. Bao lâu nay, nông dân chủ yếu canh tác dựa trên kinh nghiệm là chính. Thêm vào đó, những hạn chế về trình độ, về khả năng tiếp cận thông tin giống cây trồng, kiến thức nông nghiệp… khiến cho việc sản xuất lúa giống đạt năng suất không cao. Người nông dân bận bịu với chuyện đồng áng cũng không mặn mà với việc tiếp thu những kiến thức mới, kỹ thuật mới.
Chính vì vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan liên quan là vận động, thuyết phục, khuyến khích và động viên nông dân tham gia dự án một cách nhiệt tình với thái độ cầu thị. Có như vậy, họ mới chủ động tiếp nhận kiến thức và những kỹ thuật mới, từ đó, áp dụng một cách chính xác vào các quy trình sản xuất. Chuyện cầm tay chỉ việc cho nông dân là cần thiết vì với những đòi hỏi khắt khe trong quá trình canh tác lúa giống, người nông dân có thể chưa thích nghi ngay được và họ phải có sự hướng dẫn tận tình, kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến khâu kiểm định và chứng nhận chất lượng giống, xây dựng thương hiệu…
Chúng ta có lợi thế là tiếp nhận sự tài trợ với kinh phí khá lớn. Nhưng lợi ích cũng phải song hành với trách nhiệm. Nguồn kinh phí này phải được sử dụng một cách hiệu quả để một mặt giúp nông dân Hòa Tiến xây dựng thương hiệu lúa giống mang tên quê hương mình. Mặt khác, khẳng định với phía nhà tài trợ rằng, họ đã không lãng phí khi đầu tư cho dự án nói trên tại Đà Nẵng. Và như lời Đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae, dự án này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ nước bạn đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và đây có thể được xem là một dự án khởi đầu cho sự hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với Ấn Độ trong tương lai.
HÀ AN