Quy định mới số 47/QĐ-TW về 19 điều đảng viên không được làm có hiệu lực từ ngày 1-11-2011, nhằm thay thế Quy định số 115/QĐ-TW. 19 điều mới dù đã được sửa đổi, bổ sung, hướng đến sự hoàn chỉnh và bao quát hơn nhưng vẫn không thể phản ánh hết mọi góc cạnh của hoạt động đời sống thường nhật.
Một số ý kiến cho rằng, đảng viên phải chịu sự gò bó, thậm chí lắm quy định ràng buộc làm mất quyền công dân. Nhận định như vậy là phiến diện. Yêu cầu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn đối với người đảng viên ngày nay chính là yêu cầu đối với con người mới Xã hội chủ nghĩa, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người Xã hội chủ nghĩa”. Yêu cầu đó không nhằm mục đích nào khác ngoài việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đồng thời làm cho mỗi đảng viên tự hoàn thiện mình và sống tốt hơn. Quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm cũng là nền tảng để đảng viên tự điều chỉnh hành vi theo hướng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”…
Khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập khu vực và thế giới, nhiều thuận lợi, cơ hội mở ra cho mỗi người nhưng cũng kèm theo thách thức, cám dỗ. Yêu cầu của xã hội đương đại càng đòi hỏi người đảng viên phải không ngừng nâng cao tính Đảng, không thể đổ lỗi cho môi trường, hoàn cảnh mà lệch lạc trong cả cách sống lẫn tư duy. Thời gian qua, nhiều vụ việc nổi cộm đã khiến dư luận bức xúc mà người sai phạm chính là đảng viên.
Chẳng hạn như, vụ Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố Cần Thơ tổ chức đám cưới cho con trai và in cả chức danh của ông trên thiệp mời; hay vụ Công an huyện Kiên Giang gửi thông báo cho các đơn vị liên quan về việc thân sinh của Trưởng Công an huyện này qua đời; hay vụ cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) thuê phà ăn nhậu và liên quan đến cái chết của một cô gái… Bao bài học từ những câu chuyện này được đặt ra và đòi hỏi hàng triệu đảng viên trên cả nước phải rút kinh nghiệm, tránh sai phạm, nhằm tự mình “làm đẹp” chính mình, chứ không phải để mang tính trói buộc.
Cả xã hội đang đặc biệt quan tâm đến việc chống tham nhũng, lãng phí, xem đây là một trong những giải pháp căn cơ để xây dựng Đảng và Nhà nước, hướng đến phát triển đất nước bền vững, thì không thể thiếu những điều cấm đối với đảng viên. Song, chính ý thức của đảng viên mới mang tính quyết định. Ông Nguyễn Ngọc Đán, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng “quy định chỉ là “biển báo”, để đảng viên biết nên dừng ở đâu, đi thế nào, làm cái gì, không gò bó đảng viên mà chỉ có lợi cho đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ đảng viên và chức trách được giao” (Tuổi Trẻ, ngày 14-11-2011).
Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Thành cũng khẳng định: Một tập thể mạnh là nhờ tập thể đó có những con người tốt, giỏi. Xây dựng Đảng tức là xây dựng con người, bởi Đảng mạnh là nhờ có đảng viên mạnh. Một đất nước muốn đi lên phải dựa vào những con người có năng lực, trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt…
THIÊN BÌNH