.

Sống để yêu thương

Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Niềm vui được nhân lên, nỗi buồn vơi đi ít nhiều, góp phần thúc đẩy công tác an sinh xã hội của thành phố.

Hơn 700 hộ nghèo trên địa bàn quận Cẩm Lệ được xóa và không còn hộ đặc biệt nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ quận đề ra (“Chỉ thị 24 ở Cẩm Lệ”, Báo Đà Nẵng ngày 28-11-2011) là con số không nhỏ, đánh dấu nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ dân phố và quan trọng là của chính những người muốn vươn lên thoát nghèo bền vững. Những con số mà quận Cẩm Lệ công bố cũng đủ tạo sự ấm lòng như: 4,7 tỷ đồng giúp các hộ thoát nghèo, xây dựng mới 3 ngôi nhà, sửa chữa 4 ngôi nhà xuống cấp, trao phương tiện sinh kế cho 18 hộ, cấp học bổng cho 12 học sinh…
 
Tất nhiên, Cẩm Lệ chỉ là một trong số các quận, huyện thực hiện tốt Chỉ thị 24 nhờ vào việc huy động sự đồng thuận của các cấp, các ngành, Mặt trận và những tổ chức đoàn thể, để tạo nên con số gần 4.000 hộ thoát nghèo trên toàn thành phố. Những địa phương khác cũng đã và đang nỗ lực để chung tay mang lại niềm vui, tiếng cười trên khắp nẻo đường, nhất là khi thành phố chuẩn bị kỷ niệm 15 năm trực thuộc Trung ương và đón chào năm mới 2012.

Trong các đợt trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hay trao quà tặng những hộ nghèo, không ít những giọt nước mắt đã lăn dài khi đón nhận những tấm lòng hảo tâm. Bà Trương Thị Ba (trú tổ 47, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) thuộc diện hộ đặc biệt nghèo đã xúc động, bối rối trước căn nhà mới trị giá 75 triệu đồng, trong đó có 30 triệu đồng tiền xây nhà do một đơn vị đóng trên địa bàn Đà Nẵng hỗ trợ. Là con liệt sĩ, có chồng bị tâm thần và 2 con còn đi học, thu nhập từ lao động phổ thông không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi mẹ già, bà Ba đã ngân ngấn nước mắt nói rằng: “Giống như tôi đang mơ!”.

Chỉ thị 24 gói gọn vận động giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật. Song, riêng đối với vấn đề nghèo khó, thực tế vẫn còn biết bao hoàn cảnh khác, những mảnh đời bất hạnh không thuộc diện đặc biệt nghèo nhưng cần lắm sự sẻ chia mà trong khuôn khổ của chính sách không thể bao phủ hết. Thầy giáo Nguyễn Văn Tý, sinh năm 1980 tại xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) hiện là giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu đang lần mò trong bóng tối để dạy các em có hoàn cảnh tương tự. Cháy bỏng bao ước mơ, thầy Tý không ngại việc thuê nhà, tự mình sống, học tập, làm việc và đi lại trong những điều kiện hạn chế để có thể đứng trên bục giảng, mang ánh sáng tri thức đến cho các em khiếm thị. Bởi với người thầy giáo này, sống là để yêu thương và sẻ chia là niềm hạnh phúc. Hay như em Hồ Tuấn Hà, học sinh lớp 12/2 Trường Hermann Gmeiner (Đà Nẵng), đang được thầy cô, bạn bè và láng giềng hết lòng đùm bọc. Ai cũng thương cảm cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng học giỏi.

 Khi xã hội hiện đại có lắm điều dễ mang lại lo âu, phiền muộn, sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng với những người bất hạnh hay có hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo gắn kết giữa con người với con người và nuôi dưỡng lòng nhân ái trong mỗi người. Sống để yêu thương sẽ làm nhân lên giá trị cuộc sống, làm vơi đi bao nhọc nhằn, lo toan, bởi cho cũng là nhận. Cái nhận lớn nhất chính là sự vun đắp tâm hồn trong hành trình hướng đến chân - thiện - mỹ.

TÚ PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.