Tại kỳ họp lần thứ 3 vừa kết thúc, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết lấy năm 2012 là năm thiết lập kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và từ năm 2012 sẽ giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) từ 5-10% mỗi năm.
Nghị quyết của QH cũng là nhiệm vụ mà các địa phương phấn đấu đạt được nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm tỷ lệ thương vong do TNGT gây ra cũng như xây dựng một hạ tầng giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Theo báo cáo của Công an thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố, đến tháng 11-2011, toàn thành phố đã xảy ra 178 vụ TNGT đường bộ, làm chết 123 người, bị thương 143 người. Va chạm giao thông xảy ra 248 vụ, làm bị thương 295 người. Đáng chú ý là theo báo cáo này, những con số đưa ra đều giảm so với cùng kỳ năm 2010, trong đó, TNGT đường bộ giảm 26 vụ, va chạm giao thông giảm 227 vụ. Từ thực tế trên cho thấy những dấu hiệu khả quan trong công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong năm 2011.
Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan vì những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, số vụ TNGT thường gia tăng đáng kể. Cũng theo Công an thành phố, dù TNGT đường bộ được kiềm chế và giảm nhưng số vụ nghiêm trọng vẫn xảy ra nhiều, thiệt hại về người vẫn ở mức cao. Làm thế nào để thành phố Đà Nẵng theo kịp con số mà QH đã đưa ra là giảm 5 đến 10% số vụ TNGT, số người chết do TNGT mỗi năm, bắt đầu từ năm 2012? Có thể nhận thấy, điều thuận lợi mà Đà Nẵng có được là một hạ tầng giao thông tương đối thông thoáng.
Các tuyến đường liên quận, phường, các trục đường chính ra vào thành phố đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt là sự gia tăng của các phương tiện giao thông, nhất là các loại ô-tô cá nhân; nhận thức, thái độ, hành vi tham gia và chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận dân cư vẫn chưa chuyển biến tích cực; sự thiếu động bộ, khớp nối chưa hợp lý về hạ tầng giao thông trong các khu dân cư mới…
Rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý cũng như của người dân đều thống nhất rằng, giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu TNGT chính là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Vì vậy, để đạt con số mà QH đưa ra, thiết nghĩ, từ bây giờ và bước sang năm 2012, các cơ quan chức năng ở thành phố cần phối hợp tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dân chấp hành tốt luật lệ giao thông. Nội dung, phương pháp và hình thức triển khai chương trình giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về giao thông của người dân nhất thiết cần sự đầu tư kỹ lưỡng, làm sao mọi thành phần dân cư đều có thể tiếp thu và ghi nhớ dễ dàng. Lâu nay các cấp, các ngành cũng đã triển khai nhiệm vụ này trong các đối tượng như học sinh, sinh viên, phụ nữ, cán bộ, công chức…
Thậm chí những xe lưu động tuyên truyền về ATGT vẫn được triển khai ở các địa phương. Nhưng hiệu quả tác động đến đâu đối với đại đa số quần chúng nhân dân, kể cả cán bộ, công chức thì vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, người tham gia giao thông vẫn vi phạm pháp luật, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lái xe khi đã sử dụng rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, đậu đỗ xe lấn chiếm lòng đường… Có người đã từng ví von rằng: “Bước ra đường là ra chiến trường”. Điều đó cũng có cái lý đúng vì bây giờ, người dân khi tham gia giao thông đều phải rất cảnh giác, trong nhiều trường hợp, bản thân họ thực hiện đúng nhưng lại bị những người vi phạm luật lệ ATGT gây thương tích. Trên thực tế, tai nạn giao thông rình rập bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào mà nếu không cảnh giác người tham gia giao thông có thể chịu những hậu quả đáng tiếc.
Cùng với việc nâng cao nhận thức về ATGT thì việc tăng cường trách nhiệm quản lý các phương tiện tham gia giao thông của cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn. Từ việc kiểm tra, kiểm soát quá trình đăng ký, đăng kiểm đến giám sát việc cấp giấy phép lái xe hay tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đều cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an, Sở Giao thông-Vận tải và các ngành liên quan ở địa phương. Ngoài ra, cũng cần những chương trình, kế hoạch cụ thể, hiệu quả của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc phân làn, phân luồng giao thông; khớp nối, đồng bộ hóa hạ tầng giao thông giữa các địa phương, các khu dân cư, nhất là những khu vực tái định cư, những khu đang chỉnh trang…
ATGT liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, chính vì vậy, những nỗ lực của chính quyền trong việc giảm thiểu TNGT một khi đạt hiệu quả tốt thì không những giảm áp lực trong công tác quản lý Nhà nước mà còn tạo niềm tin của dân đối với chính quyền và quan trọng là mang lại cho họ một môi trường an toàn và thực sự đáng sống.
Hà An