Việc Vịnh Hạ Long có tên trong top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là niềm vinh dự, tự hào không chỉ cho riêng người dân Quảng Ninh mà còn cả nước. Mặc dù 3 tháng nữa Tổ chức New Open World mới chính thức công bố kết quả, nhưng chiến thắng hôm nay đặt ra cho ngành Du lịch Việt Nam và Quảng Ninh không ít thách thức trong việc giữ gìn, bảo vệ kỳ quan.
Đây không phải là lần đầu tiên Vịnh Hạ Long được thế giới vinh danh. Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã 2 lần công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, vào ngày 17-12-1994 và ngày 2-12-2000. Lần tôn vinh là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới “góp phần mở cánh cửa Việt Nam ra thế giới”, như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn. Chiến thắng này minh chứng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị suốt 4 năm qua khi cùng hướng về Vịnh Hạ Long để bình chọn cho vịnh có bờ biển dài 120km và 1.969 hòn đảo lớn, nhỏ. Chiến thắng có sự đóng góp rất lớn của người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế, những người yêu mến Việt Nam và Vịnh Hạ Long.
Song, đằng sau niềm vinh dự, tự hào là thử thách và trách nhiệm nặng nề. Bởi lẽ, xây dựng được thương hiệu vốn dĩ khó, bảo vệ được thương hiệu lại càng khó hơn; và cũng bởi lẽ, với tầm nhìn mới thì ứng xử cũng phải mới. Không thể tại kỳ quan của thế giới mà có tình trạng chèo kéo du khách, giá cả đắt đỏ, xả rác, kinh doanh bát nháo, chất lượng dịch vụ kém… Không thể tại kỳ quan của thế giới mà thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng hoặc không bảo đảm môi trường, an ninh, văn hóa du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện du lịch Hạ Long chỉ khai thác đơn giản, thiếu tính liên kết, chưa làm du khách muốn kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn; dịch vụ trên vịnh chưa có tính chuyên nghiệp; giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch chưa cao; quản lý chưa chặt chẽ; sản phẩm du lịch là sản phẩm thô, chưa được đầu tư… Vì vậy, rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch Việt Nam, Chính quyền, ngành du lịch Quảng Ninh và người dân địa phương phải nghiêm túc xắn tay vào cuộc.
Trong 9 tháng năm 2011, ngành Du lịch Quảng Ninh đã đón 5,1 triệu lượt khách, trong đó có 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Con số này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa và phát triển một cách bền vững. Tư duy và tầm nhìn cho Vịnh Hạ Long kể từ khi được xướng tên trên bản đồ của 7 kỳ quan mới sẽ khác. Sẽ không còn những hình thức khai thác du lịch manh mún, tự phát, mà phải đi kèm với một chiến lược tôn tạo, bảo vệ và phát triển di sản để xứng đáng với thương hiệu. Ứng xử với Vịnh Hạ Long là bài toán đang được đặt ra và sẽ là hình mẫu du lịch để các địa phương cả nước học hỏi trong việc níu chân du khách.
TÚ PHƯƠNG