.

Vấn nạn bằng giả

Gần đây, Báo Đà Nẵng liên tục đăng các tin, bài liên quan đến các trung tâm và văn bằng giả về tin học, ngoại ngữ. Bằng giả  đã trở thành vấn đề  xã hội  phức tạp, tồn tại lâu nay trong nền giáo dục Việt Nam.
 
Sự biến tướng từ chỗ “bằng giả”, giờ đã thành “học giả” - “bằng thật” càng làm cho công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn hơn. Đối với vấn đề học tin học và ngoại ngữ, Nhà nước ta có các chính sách khuyến khích thành lập các trung tâm tin học, ngoại ngữ trên diện rộng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, điều kiện để thành lập một trung tâm tin học, ngoại ngữ cũng rất dễ dàng. Theo Thông tư 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học, yêu cầu đối với giám đốc trung tâm chỉ cần tốt nghiệp trình độ đại học ngoại ngữ hoặc tin học, đã hoạt động trong ngành Giáo dục ít nhất 3 năm.
 
Trên cơ sở đề án thành lập, Sở Giáo dục-Đào tạo tiến hành thẩm định cơ sở đào tạo, chủ yếu là điều kiện phòng học, phòng làm việc cho bộ máy hành chính, sẽ tiến hành cấp phép hoạt động cho trung tâm trong vòng 15 ngày. Sở Giáo dục-Đào tạo hoàn toàn chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các trung tâm này. Nếu như một địa phương có vài trăm trung tâm tin học ngoại ngữ hoạt động thì Phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Giáo dục thường xuyên của mỗi Sở Giáo dục-Đào tạo với một hai cán bộ chuyên trách làm sao có thể quản lý nổi.

Trong khi chúng ta có hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học ở khắp vùng miền, thì tại sao không lấy hệ thống đó làm cơ sở hình thành các trung tâm tin học, ngoại ngữ do chính nhà trường tổ chức và quản lý. Chúng ta vừa tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vừa nâng cao uy tín của nhà trường trong công tác đào tạo đủ các điều kiện chuẩn cho học sinh. Như vậy, chất lượng hoạt động của trung tâm tin học, ngoại ngữ sẽ gắn với trách nhiệm đào tạo của nhà trường.

Con số gần 20% trung tâm tin học, ngoại ngữ trên địa bàn thành phố vừa mới bị đình chỉ do hoạt động không hiệu quả, không bảo đảm chất lượng đã gióng hồi chuông cảnh báo về  khó khăn và bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các trung tâm này. Những trung tâm nào đã bị đình chỉ hoạt động, cơ quan quản lý Nhà nước cần thông tin ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và công khai chính xác thông tin các trung tâm đang hoạt động trên trang web của ngành.

Để góp sức vào cuộc chiến chống “học giả” - “bằng thật”   cần có sự tham gia của toàn xã hội trong công tác tuyển dụng.  Một khi các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ  chỉ là thứ “phụ gia” để đi tìm việc thì nhà tuyển dụng cũng không nên đòi hỏi ứng viên phải có các chứng chỉ này. Và chỉ khi trình độ tin học, hoặc ngoại ngữ là yếu tố cần thiết cho công việc thì thay vì xét tuyển, nhà tuyển dụng sẽ tổ chức thi tuyển theo nhu cầu. Đây chính là giải pháp tuyển dụng hiệu quả nhất để có được nguồn nhân lực chất lượng, góp phần cùng với ngành giáo dục-đào tạo đẩy lùi vấn nạn bằng giả. Bên cạnh đó, trong hệ thống giáo dục cần sớm xây dựng các chỉ tiêu đánh giá xếp hạng năng lực đào tạo của các trường theo từng khu vực, công bố rộng rãi để người học có cơ sở lựa chọn các  địa chỉ đào tạo có uy tín và tìm kiếm các lớp học phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình. Việc đánh giá xếp hạng cũng sẽ là động lực để các cơ sở đào tạo phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thu Phương
;
.
.
.
.
.