Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố mới chính thức phát động vào ngày 24-11, nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang đã được triển khai hơn một năm nay.
Theo kết quả rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn ở cả 11 xã, có 2 xã đạt nhiều tiêu chí nhất 13-15 (trên tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) là Hòa Châu, Hòa Tiến; 4 xã đạt từ 7-9 tiêu chí là Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú; 3 xã đạt 6 tiêu chí là Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc và 2 xã đạt ít chỉ tiêu nhất là Hòa Khương, Hòa Sơn. Đánh giá tổng thể, đến nay huyện Hòa Vang có 84% tuyến giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm được thảm nhựa hoặc bê-tông hóa, 70% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa và 100% xã được phủ lưới điện quốc gia. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, góp phần xây dựng diện mạo nông thôn Hòa Vang ngày một khang trang và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn ở bước khởi động và có không ít chỉ tiêu còn lúng túng, khó thực hiện, đòi hỏi phải có thêm thời gian và sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, hưởng ứng của toàn dân.
Theo Kế hoạch “Tổ chức phong trào thi đua toàn thành phố Đà Nẵng chung sức xây dựng nông thôn mới từ 2011 đến 2020”, mục tiêu đặt ra là phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang thành huyện nông thôn mới vào năm 2015 và đến năm 2017 có 11/11 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Với mục tiêu thi đua đặt ra về trước thời hạn so với mục tiêu chung của cả nước thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, đặc biệt là hệ thống chính trị của huyện Hòa Vang. Theo đó, trong điều kiện có nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ cơ sở và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hòa Vang cần xây dựng lộ trình, bước đi với các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và theo đúng định hướng phát triển của thành phố.
Quan trọng hơn hết, công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua này cần được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mỗi người hiểu được nội dung và nguyên tắc xây dựng nông thôn mới, xác định việc xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của mỗi người. Mỗi cá nhân chính là một chủ thể góp phần nhỏ bé quan trọng vào việc tập trung giải quyết từng nội dung cụ thể của phong trào thi đua này. Và điều quan trọng nhất cần được nhận thức là, thước đo kết quả của phong trào thi đua này sẽ được thể hiện rõ qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bộ mặt nông thôn mới của huyện Hòa Vang, vì vậy chắc chắn sẽ không có tính hình thức tồn tại trong phong trào thi đua này.
PHƯƠNG NGUYỄN