Gần đến Tết, nhiều vụ thực phẩm nhập lậu liên tục bị bắt giữ tại nhiều địa phương. Chỉ trong một tuần, 2 vụ vận chuyển gia súc, gia cầm từ cửa khẩu các tỉnh phía Bắc tuồn hàng về nội địa tiêu thụ bị bắt giữ. Mới đây nhất, lực lượng chức năng Hà Nội mai phục, bắt quả tang hai xe tải chở hàng ngàn con gà nhập lậu từ biên giới vận chuyển vào thành phố tiêu thụ.
Trước sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng, gian thương lại có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Khác với trước đây, đối tượng chủ yếu dùng các loại xe tải nhỏ và thay đổi kết cấu các loại phương tiện để vận chuyển, thì nay các loại hàng hóa nêu trên được đưa về các điểm tiêu thụ kể cả bằng xe du lịch, xe máy, nên rất khó khăn cho công tác ngăn chặn và xử lý của lực lượng chức năng.
Quan sát tại các nhà hàng, quán nhậu, ước tính mỗi ngày tiêu thụ vài trăm kilôgam chân gà và hàng tấn nội tạng heo, bò. Song điều đáng nghi ngại là chẳng ai kiểm soát được loại thực phẩm này xuất xứ từ đâu. Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, lượng gia cầm, gia súc giết mổ tại các chợ, siêu thị vẫn trong tình trạng tiêu thụ không hết. Nguyên nhân một phần là do giá cả của các mặt hàng này thường cao hơn so với mức giá thực phẩm trôi nổi trên thị trường.
Những năm trước, thời gian gần Tết, thịt lợn xuất lậu sang Trung Quốc nhưng hiện nay thì ngược lại, lợn, gia cầm từ bên kia biên giới nhập lậu vào Việt Nam, mang theo nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đáng báo động, theo kết quả xét nghiệm công bố, thì có tới 28/100 mẫu gà nhập lậu cho kết quả dương tính với vi-rút H5N1. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài tại nhiều địa phương trong những năm qua. Nhiều người dân tử vong vì nhiễm vi-rút nguy hiểm này qua con đường ăn uống. Bên cạnh đó, lợn Trung Quốc có thể sử dụng “công nghệ bẩn” để vỗ béo trước khi xuất nên nguy cơ gây bệnh với người tiêu dùng rất cao.
Thực tế cho thấy, chế tài xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thực phẩm lậu vẫn chưa đủ mạnh, chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính, nên có đối tượng sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục vi phạm. Phương thức thủ đoạn buôn bán, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm, gia súc, gia cầm, nội tạng nhập lậu của các đối tượng ngày càng đa dạng và phức tạp.
Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo 127 thành phố đã tổ chức thực hiện 25.444 vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý 21.933 vụ. Trong đó, hơn 3.800 vụ về hàng cấm, nhập lậu, trong đó có thực phẩm; gần 6.000 vụ gian lận thương mại và hơn 11.000 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 400 tỷ đồng. Các số liệu trên cho thấy sự phức tạp, mặt trái trong các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa trên thị trường thành phố. Trong đó, nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Càng gần Tết, sức mua thực phẩm luôn tăng cao. Nhưng cái khó là một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự có đủ ý thức và kiến thức để quan tâm đến sản phẩm sạch. Thực tế cho thấy, sản phẩm gà sạch, lợn sạch tiêu thụ chậm vì giá cao hơn từ 10-15% so với sản phẩm bình thường. Nhiều người dân vẫn chấp nhận mua và sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc vì giá rẻ, hợp với túi tiền của gia đình. Và hầu như họ bị thuyết phục bởi người bán rằng hàng này bảo đảm nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Nói như vậy để thấy, nỗi lo nguy hại sức khỏe sẽ không thể tính hết được khi người dân “đồng hành” cùng với thực phẩm nhập lậu, không nguồn gốc, lại mang nhiều dịch bệnh. Chính vì vậy, đối với các lực lượng chức năng, việc đẩy mạnh kiểm soát, siết chặt thực phẩm nhập lậu vào thành phố là nhiệm vụ cấp bách không chỉ thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đang cận kề mà còn là thường xuyên, liên tục.
Diệu Minh