Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương được chọn làm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó vai trò của người đại diện tiếng nói cho cử tri ở các khu dân cư, tổ dân phố trong các cuộc tiếp xúc với các đại biểu HĐND thành phố càng quan trọng hơn và được xem là chiếc cầu nối giữa người dân với HĐND thành phố. Tuy nhiên, qua các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua cho thấy, không ít đại diện cử tri vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với cử tri giao phó.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đa số các cử tri đến dự là các tổ trưởng tổ dân phố, các bí thư chi bộ khu dân cư… được người dân ở các khu dân cư và tổ dân phố cử làm đại diện để bày tỏ những đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền lợi của mình. Tuy vậy, không ít cử tri đã bỏ về ngay sau khi phát biểu xong ý kiến của mình. Có lẽ, nhiều cử tri nghĩ rằng, họ đã làm xong nhiệm vụ khi truyền đạt hết những vấn đề mà người dân ở khu dân cư quan tâm. Nhưng đến phần đại biểu HĐND tiếp thu và giải đáp, một đại biểu HĐND thành phố đã phải phát biểu trước hội nghị rằng, đáng lẽ cử tri phải ngồi lại nghe chúng tôi giải trình để về báo cáo lại cho bà con cử tri ở khu dân cư mình biết. Nếu cử tri bỏ về sớm thì sẽ không nắm bắt được những giải đáp và sẽ lại tiếp tục thắc mắc tại sao những vấn đề người dân phản ánh không được các đại biểu trả lời. Điều này sẽ làm mất lòng tin của người dân đối với đại biểu HĐND thành phố.
Chúng tôi cũng từng nghe một người dân ở vùng giải tỏa phàn nàn rằng, khi tiếp xúc cử tri không biết Tổ trưởng tổ dân phố có kiến nghị với đại biểu HĐND thành phố hay không mà đến giờ vẫn chưa thấy bàn giao mặt bằng? Đặc biệt, hiện nay, các ban HĐND phần lớn là đại biểu kiêm nhiệm, do đó khi triển khai các hoạt động, nhất là hoạt động giám sát thì không đủ đại biểu tham dự. Trong khi đó, đội ngũ chuyên viên của Văn phòng Đoàn đại biểu QH và HĐND thành phố phụ trách giúp việc cho các ban còn thiếu.
Các tổ đại biểu HĐND khi phân công và tăng cường hoạt động đến tận địa bàn, cơ sở lại gặp khó khăn về số lượng đại biểu không đủ tham gia hoạt động thường xuyên, đầy đủ mà trước đây thuộc nhiệm vụ của HĐND huyện, quận, phường. Vì vậy, thiệt thòi lớn đối với người dân là quyền lợi của họ không được phản ánh trực tiếp với các đại biểu HĐND ở cấp địa phương gần nhất. Cũng chính vì thế, tại cuộc tiếp xúc, một đại biểu có trách nhiệm đã phát biểu với người dân rằng, mong các cử tri thường xuyên phản ánh với UBND phường, quận để được giải quyết kịp thời, đồng thời sẽ giúp cho các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố được gọn nhẹ hơn.
Trong các cuộc tiếp xúc vừa qua cũng cho thấy, hầu hết các vấn đề mà cử tri phản ảnh đều thuộc phạm vi giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Do đó, việc thí điểm không tổ chức HĐND còn đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của UBND quận, huyện, phường cao hơn. Nếu năng lực điều hành của UBND quận, huyện, phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương còn hạn chế thì trong giải quyết các công việc sẽ ảnh hưởng. Vì vậy, mong rằng các cử tri được người dân “chọn mặt gửi vàng” đại diện cho tiếng nói của họ sẽ làm hết trách nhiệm với cử tri của mình để thực sự là chiếc cầu nối giữa người dân với đại biểu HĐND thành phố.
Gia Huy