.

Cơ hội giảm lãi suất?

Kể từ quý 3-2011 đến nay, lãi suất bắt đầu đi dần vào quỹ đạo có trật tự. Lãi suất tiền gửi (đồng Việt Nam và ngoại tệ) đều chấp hành nghiêm túc mức trần quy định, không còn tái diễn tình cảnh mặc cả nháo nhào như trước.

Lãi suất tiền vay, mặc dù không khống chế trần, nhưng cũng xoay quanh mức phổ biến bình quân từ 17-19%/năm. Tất nhiên, tùy vào chính sách khách hàng và năng lực quản trị của từng ngân hàng, lãi suất có thể linh hoạt, thấp hơn hoặc cao hơn mức bình quân nói trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ số lạm phát cả năm 2011 vào khoảng 19%, thì có thể cho rằng mặt bằng lãi suất trên thị trường chính thức như vậy là hợp lý.

Mong đợi lớn nhất của nền kinh tế khi chuẩn bị bước vào năm 2012 chính là lãi suất ngân hàng sẽ giảm xuống. Có hai vấn đề cần lưu ý, một là liều lượng giảm lãi suất bao nhiêu để có thể cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền và người vay tiền trong khi áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng? Hai là, tính ổn định của xu thế giảm lãi suất có thực sự vững chắc một khi nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn còn khá nhiều bất trắc chưa thể tháo gỡ ngay cùng một lúc? Về mặt ngắn hạn, điều kiện tiên quyết để giải quyết bài toán lãi suất là phải kiềm chế lạm phát ngay từ những tháng, quý đầu năm dưới một con số và không để vượt quá “ngưỡng tâm lý chịu đựng” về kỳ vọng lạm phát cả năm (dự kiến 9%).

Bài học đắt giá về kinh nghiệm điều hành năm 2011 cho thấy, ngay từ quý 1 lạm phát đã bị bùng phát với chỉ số giá tăng đến 13,29% so cùng kỳ 2010, sang quý 2 tiếp tục tăng lên 16,03%, tình huống này đã đặt toàn bộ tâm lý thị trường vào tình trạng quá sức chịu đựng khiến cho mục tiêu lạm phát kỳ vọng (7%) đã bị phá vỡ ngay từ đầu. Về mặt dài hạn, cần khẩn trương và nghiêm túc triển khai giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiến hành tái cấu trúc song song hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, qua đó tạo thế và lực để ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, điều này có ý nghĩa quyết định đến xu thế ổn định của lãi suất trong nhiều năm đến.

Đúng như nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2011: Đâu là cơ hội” mới diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 9-12-2011. Theo ông, năm 2012 nếu kiềm chế lạm phát ở mức 9% như mục tiêu đề ra, lãi suất huy động sẽ ở mức 11%, lãi suất cho vay sẽ dao động quanh mức 13%. Ông khẳng định, chỉ cần giảm mặt bằng lãi suất xuống 2% so với hiện nay sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với các hình thức hỗ trợ khác, kể cả giảm thuế doanh nghiệp. Hay nói khác đi, trong năm 2011, lãi suất là công cụ “át chủ bài” để chống lạm phát, sang năm 2012, cũng chính lãi suất sẽ là “chìa khóa” tạo ra cơ hội khôi phục và duy trì tăng trưởng kinh tế. Vấn đề còn lại là chúng ta có đủ khả năng tận dụng cơ hội này hay không?

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.