Ngày 7-12, Đà Nẵng khởi động dự án “Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và khí hậu” (ECUD). Dự án được Chính phủ Đức tài trợ 1,4 triệu euro và được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ). Trước đó, Đà Nẵng và Cần Thơ được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) công bố thỏa ước cho vay trị giá 20 triệu euro (tương ứng 26,9 triệu USD) để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với những thách thức của quá trình đô thị hóa, đồng thời tạo điều kiện để triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Ông Erik Schweikhardt, Cố vấn trưởng dự án ECUD cho biết, nếu kết quả thực hiện tốt, Đà Nẵng có khả năng nhận thêm 1 triệu euro để thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường và giảm các nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Ông Erik Schweikhardt cũng đặt vấn đề về hợp tác đầu tư công - tư (PPP). Vấn đề hợp tác đầu tư công - tư trong những tháng qua và ngay tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam - Kansai (Nhật Bản) giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề cập đầu tư công-tư trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cấp thoát nước đô thị, môi trường.
Vấn đề hợp tác đầu tư PPP tại Đà Nẵng cũng được khởi động khi ngày 14-11, lãnh đạo UBND thành phố có cuộc làm việc với Tập đoàn hợp tác kỹ thuật JFE và Tập đoàn Nihon Suido Consultants của Nhật Bản. Theo đó, Tập đoàn JFE Engineering đã triển khai thực hiện Nghiên cứu tiền khả thi “Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Đà Nẵng”. Trên cơ sở nghiên cứu tiền khả thi này, nhóm các đối tác gồm các tập đoàn Sumitomo, JFE Engineering và Tsukishima Kakai đề xuất thực hiện dự án theo phương thức PPP.
Dự kiến kinh phí để thực hiện dự án là hơn 13,9 tỷ yen Nhật (gần 190 triệu USD); bao gồm 30% là vốn theo phương thức PPP từ các nhà đầu tư Nhật Bản, 65% vốn vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và 5% vốn đối ứng của địa phương. Hiện phía các DN Nhật Bản đã nộp đơn đề nghị JICA tài trợ khoản kinh phí 2 triệu USD để thực hiện Nghiên cứu khả thi cho dự án nêu trên. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định dự án hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển trở thành Thành phố Môi trường vào năm 2020 của thành phố Đà Nẵng. Về cơ bản, phía thành phố ủng hộ nhóm triển khai nghiên cứu tiền khả thi và xúc tiến các bước huy động vốn cho dự án.
Hình thức đầu tư PPP tuy mới mẻ đối với Đà Nẵng nhưng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ hơn 50 năm nay. Mô hình PPP kết hợp được nhiệm vụ của dịch vụ công làm đòn bẩy giúp chính quyền các địa phương nhanh chóng đạt được những mục tiêu về đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng các dịch vụ công, tạo thuận lợi cho chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại. Theo đó, vai trò của nhà đầu tư trong hợp tác đầu tư PPP không chỉ là vấn đề cung cấp vốn cho các khu vực công mà hướng đến các vấn đề kinh tế - xã hội như lao động, việc làm... tăng hấp thu và giải ngân các kênh vốn đầu tư ODA, FDI...
Việc Đà Nẵng sẵn sàng cho việc hợp tác đầu tư PPP cũng sẽ cải thiện hiệu quả từ đầu tư công, giải quyết vấn đề về vốn trong đầu tư từ ngân sách và các nguồn lực xã hội còn hạn hẹp. Tác động tích cực của hợp tác đầu tư PPP trong và ngoài nước sẽ mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân trong việc góp trách nhiệm cùng với Nhà nước khai thác và xây dựng các công trình, hạng mục, dự án công cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố.
TRIỆU TÙNG