.

Doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài

Tại các cuộc hội thảo về giải pháp ứng phó của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong điều kiện nền kinh tế bất ổn, các chuyên gia đã công bố con số 62% doanh nghiệp trong nước cảm  thấy bi quan về tình hình phát triển của đơn vị trong những năm đến.

Một số giải pháp cấp bách được đề cập như hợp tác liên kết, xóa bỏ tư duy khép kín, kiểm soát rủi ro, tái cấu trúc doanh nghiệp... Nhưng để làm được tất cả các giải pháp trên, ngoài việc huy động nguồn vốn, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, các giải pháp thu hút và giữ chân người tài  hầu như chưa được doanh nghiệp  đề cập hay chú trọng ở giai đoạn này.

Một trong các doanh nghiệp bị chảy máu nguồn lực  lớn nhất trong năm 2011 của ngành Du lịch thành phố là Công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An (khách sạn Furama). Gần 130 lao động  của công ty đã chuyển công tác và công ty phải liên tục tổ chức tuyển dụng nhân sự. Nguyên nhân chính là do sức hút của hàng loạt  các khu du lịch nghỉ dưỡng  biển  trên địa bàn thành phố mới ra đời. Sức hút đó không nằm ngoài các chế độ chính sách ưu đãi, cơ hội thăng tiến đối với người lao động có năng lực và kinh nghiệm.

Có thể khẳng định khách sạn Furama là đơn vị đầu tiên tự đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động  trực tiếp chất lượng cao cho ngành du lịch thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Đơn vị cũng đã có nhiều giải pháp đưa doanh nghiệp vượt qua các thời kỳ suy thoái kinh tế. Thế nhưng khả năng dự lường về biến động nhân lực trong năm nay vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của đơn vị. Và thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không kiểm soát được vấn đề giữ chân người tài trong điều kiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Khả năng nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của người giỏi trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và chính  giai đoạn kinh tế bất ổn là thời kỳ tốt nhất để  nâng cấp đội ngũ nhân lực của đơn vị. Kinh nghiệm thành công của đa số doanh nghiệp tại Singapore, việc thu hút và giữ chân người giỏi thông qua chế độ đãi ngộ là một giải pháp hữu hiệu để giúp doanh nghiệp trụ vững, vượt qua và vươn lên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Trong đó chính sách lương và thưởng  phải bao gồm cả yếu tố vật chất và tinh thần. Ngày nay, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ được tính theo các phương pháp cổ điển như xếp hạng, so sánh, hay tính điểm mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng hiện nay cần phải được xem xét lại bằng việc sử dụng phương pháp giá cả và mức cạnh tranh thị trường. Nếu đơn vị không so sánh chế độ đãi ngộ của đơn vị với các đối thủ thì sẽ thất bại trong chiến lược thu hút người tài. Đối với thế hệ 8X, chính sách thu hút phải đặt trọng tâm vào cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn là chính sách thưởng. Bởi đối tượng này dễ thích nghi với môi trường làm việc mới, nếu có năng lực, sẵn sàng thay đổi công việc nhanh chóng  để tìm kiếm cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn và thăng tiến.

Thu Phương

;
.
.
.
.
.