.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Trong một cuộc trò chuyện với thầy Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng về chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tôi được biết chiến lược giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật của ngành Giáo dục và Đào tạo đang gặp nhiều khó khăn do xã hội chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc giáo dục trẻ khuyết tật.

Mục tiêu của giáo dục hòa nhập hay giáo dục lồng ghép là tạo ra một môi trường học đường mà tất cả các nhu cầu về giáo dục của trẻ em đều được đáp ứng, không phân biệt trẻ bình thường hay khuyết tật. Để xây dựng được môi trường này, ngành Giáo dục cần có một đội ngũ giáo viên  ngoài đào tạo chuyên môn còn phải được đào tạo phương pháp, kỹ năng, tâm lý giáo dục học sinh khuyết tật. Ngành  Giáo dục  đặc biệt đã ra đời trước yêu cầu đó. Có lẽ không có từ nào nhân văn hơn các từ  “đặc biệt”  hay “chuyên biệt” dành cho những trẻ em bất hạnh bởi khuyết tật. Chính vì vậy, xã hội cần dành cho các em tình yêu thương đặc biệt, sự chăm sóc đặc biệt và đặc biệt tạo điều kiện để các em hòa nhập cộng đồng.

Bắt đầu từ năm 2006, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tuyển sinh khoa giáo dục đặc biệt. Đến nay có 80 sinh viên tốt nghiệp ra trường và đều tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Nhưng 2 năm nay, ngành Giáo dục đặc biệt của trường phải tạm ngừng vì không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Thầy Sơn cho biết, một số sinh viên “hiểu nhầm” ý nghĩa của từ “đặc biệt” nên đã đăng ký thi tuyển, sau khi trúng tuyển mới “vỡ lẽ” và xin chuyển học ngành khác. Với đà này, chiến lược giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật của ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ bị phá sản vì không có nguồn nhân lực.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật không chỉ ngăn cản trẻ khuyết tật tới trường, tạo ra  sự thiếu hiểu biết và nhìn nhận  về quá trình phát triển khả năng tham gia đóng góp đáng kể trong các xu hướng xã hội và kinh tế của người khuyết tật, nguy hiểm hơn sự kỳ thị, phân biệt này đang dẫn đến nguy cơ triệt tiêu khả năng xây dựng  một môi trường văn hóa học đường lành mạnh cho trẻ khuyết tật. Tất nhiên chiến lược giáo dục hòa nhập đang còn cần rất nhiều sự hỗ trợ về phương tiện đi lại, công cụ học tập  để trợ giúp việc học hành của học sinh khuyết tật.

Có một điều ai cũng thừa nhận trẻ khuyết tật là đối tượng thiệt thòi nhất trong số những trẻ em thiệt thòi. Tình yêu thương và lòng nhân ái của mỗi con người sẽ bù đắp và thắp lên ước mơ cho trẻ em khuyết tật bằng chính những việc làm cụ thể của mỗi chúng ta. Việc thực hiện được chiến lược giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cần có sự thay đổi nhận thức và thái độ của những người tham gia vào quá trình đó, để  hòa nhập  thực sự trở thành  nhu cầu  của tất cả mọi công dân trong xã hội. Đó là nhu cầu “học để biết, học để làm, học để thành người và học để cùng chung sống” (Giáo dục của thế kỷ 21, UNESCO).

Thu Phương
;
.
.
.
.
.