Chủ đề chung cho chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015, bắt đầu từ “Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12-2011)” do Chương trình Liên hiệp quốc về AIDS (UNAIDS) đưa ra là “Getting to zero” (tạm dịch: Đạt đến không) nhằm hướng tới mục tiêu “3 không” vào năm 2015: Không còn người nhiễm mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Để đạt được hai mục tiêu ban đầu, thì trên thực tế, vấn đề quyết định nằm ở mục tiêu thứ 3: Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS!
Nói điều này, có lẽ thực tế ở Việt Nam rõ ràng hơn. Bởi, tồn tại trong nhận thức của cộng đồng hiện nay chính những vấn đề về HIV/AIDS có liên quan mật thiết với các tệ nạn xã hội là mại dâm và ma túy. Đây là hậu quả của công tác truyền thông những năm trước đây, cũng như nhận thức lệch lạc trong cộng đồng về căn bệnh AIDS đã tồn tại từ khi nó bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam cho đến tận ngày nay. Theo đó, những nhóm hành vi nguy cơ cao liên quan đến HIV/AIDS đã được mặc nhiên gắn với mại dâm và ma túy, lâu đến nỗi nó đã trở thành tiềm thức.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, thì việc lây nhiễm qua đường tình dục và đường máu của HIV không chỉ giới hạn trong việc tiêm chích ma túy và tình dục mại dâm không an toàn, mà còn rất nhiều phương thức lây truyền khác như từ mẹ sang con, truyền máu không an toàn, quan hệ tình dục đồng tính và không an toàn với người khác giới, tai nạn và tai nạn nghề nghiệp...
Từ việc nhận thức không đúng đắn ngay từ ban đầu, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong việc đối xử liên quan đến HIV/AIDS ở Việt Nam.
Trước hết, về pháp luật và đạo đức xã hội, mại dâm và ma túy đang được xem là tệ nạn xã hội. Vì thế, việc cho rằng HIV/AIDS có nguyên nhân từ mại dâm, ma túy đã đẩy những người nhiễm HIV/AIDS - dù bị lây nhiễm bằng bất cứ con đường nào - cũng vào chung một nỗi mặc cảm. Sự mặc cảm đó là cản ngăn rất lớn trên con đường những người chưa nhiễm cũng như người bị nhiễm HIV tiếp cận những dịch vụ tư vấn và chăm sóc y tế, để từ đó có giải pháp phòng ngừa, điều trị tốt nhất có thể. Rất nhiều người ngại đến các trung tâm tư vấn về HIV/AIDS, bởi khi đến đó sẽ bị nghĩ là đã có gì liên quan đến các tệ nạn xã hội, đến tình dục không an toàn “ngoài chồng ngoài vợ”... Đây chính là sự kỳ thị lớn nhất hiện nay cần xóa bỏ một cách căn cơ trên con đường đưa HIV/AIDS trở về con số không theo tinh thần “Getting to zero” của UNAIDS tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một rào cản lớn là nhận thức chưa đầy đủ về HIV/AIDS. Mặc dù truyền thông đã có tích cực trong việc chuyển đổi nhận thức, nhưng nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với “án tử hình”, vẫn gắn hình ảnh “đầu lâu xương chéo”, những hình ảnh dặt dẹo, bệnh tật... cho những người nhiễm HIV/AIDS; việc lây nhiễm HIV đồng nghĩa với cái chết... Chính vì thế, trong cuộc sống, nhiều người vẫn không dám tiếp cận với người nào được công bố là nhiễm HIV/AIDS. Vì thế, cơ hội học hành, sinh hoạt, làm việc... của người nhiễm HIV/AIDS có lúc có nơi bị từ chối. Hậu quả của sự kỳ thị, phân biệt đối xử này là vô cùng nguy hại; bởi những người có nguy cơ nhiễm hoặc đã biết mình nhiễm HIV/AIDS sẽ không “xuất đầu lộ diện”, gây nên việc khó kiểm soát của cơ quan chức năng cũng như không kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng.
Trong những năm qua, thực hiện những mục tiêu UNAIDS đề ra, Việt Nam đã có những động thái tích cực trong việc thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS, từ chính quyền cho đến cộng đồng. Thế nhưng, để đạt đến mục tiêu “3 không” vào năm 2015, rõ ràng có những thách thức không nhỏ trên chặng đường này. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc một cách tích cực hơn nữa từ hệ thống chính trị đến mỗi người dân trong từng chương trình, từng hành động cụ thể, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi một cách đúng đắn nhất.
Trong đó, cần làm cho mỗi người thấy rằng, việc không kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS chính là động thái tích cực và cụ thể nhất để mỗi người bảo vệ cho mình và những người thân của mình trước căn bệnh AIDS.
Anh Quân