.

Băn khoăn mùa pháo hoa

Báo Tuổi Trẻ ngày 22-2 có bài Đà Nẵng: tái diễn “chặt chém” mùa pháo hoa, thu hút sự quan tâm của bạn đọc-những ai yêu mến thành phố này. Bài báo cho biết còn hai tháng nữa mới đến lễ hội pháo hoa Sông Hàn nhưng ngay từ bây giờ các khách sạn không còn phòng và nếu có thì giá cả cao gấp 3-4 lần ngày thường.

Nếu cho rằng chuyện phòng khách sạn trong vài ngày ở Đà Nẵng là “chuyện nhỏ” thì đây là sai lầm bởi nó kéo theo rất nhiều vấn đề, vô số hệ lụy và thậm chí có thể đổ sông, đổ biển biết bao công sức mà người dân Đà Nẵng lâu nay cố công xây dựng quê hương mình trở thành  thành phố xanh, sạch, đẹp và là nơi đến, nơi trở về, nơi sinh sống của nhiều ước mơ...

Trước hết, phải thấy rằng một trong những thói xấu của người Việt là tính “ăn xổi ở thì”, “đến đâu hay đấy”, “đẻ con nào cắt rốn con nấy”... Cách nghĩ thiển cận và thực dụng đó vốn là một trong những nỗi ám ảnh của du khách. Những người có tư tưởng kinh doanh “chặt chém một lần” kiểu muối xổi ăn ngay đã quên rằng dù là khách ở phương xa đi nữa thì một đồn mười, mười đồn trăm sẽ tạo nên tai tiếng. Khi một nhà hàng hay một khách sạn, một vùng đất đã tạo ra tai tiếng thì để lấy lại tiếng tốt là điều khó thấy.

Điều tiếp theo nên nhấn mạnh là UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn, chỉ thị, có hòm thư nóng, có các bản cam kết – nghĩa là có đủ mọi sự phòng xa nhưng các chủ nhà hàng, chủ khách sạn vẫn ngang nhiên coi thường luật pháp. Câu hỏi đặt ra là do sự kiểm tra, kiểm soát chưa tốt hay do chế tài chưa đủ mạnh nên nhà hàng thà bị phạt vẫn có lãi nhiều còn hơn không bị phạt mà lãi ít?

Nếu những bất cập là do công tác kiểm tra và mức độ chế tài thì sự thay đổi ngay vẫn chưa muộn. Lấy ví dụ: Quy định của cơ quan có trách nhiệm là chủ khách sạn, nhà hàng không được tăng giá quá 30% ngày thường nhưng thực tế lên đến 300-400% thì không thể chấp nhận được.

Bắt đầu là những chuyện nhỏ như tái diễn nạn ăn xin rồi đến chuyện lớn hơn là tái diễn “chặt chém”... Điều này báo hiệu sự không sự đồng bộ của các hoạt động hành pháp và chấp pháp với các mức độ khác nhau. Nếu những cái tái diễn nhỏ và vừa ấy không được ngăn chặn thì tất yếu sẽ kéo theo các vi phạm ngày càng lớn hơn. Ai dám bảo đảm rằng tất cả các dịch vụ khác không “học” theo cách lụt thì lút cả làng?

Chuyện nghiêm trọng hơn nữa là kể cả các công ty du lịch thuộc diện “bạn hàng lâu năm”cũng chỉ được cung cấp 10% số phòng theo yêu cầu (!). Thử hình dung một khi các công ty du lịch khắp cả nước chán nản với cách làm ăn “chặt chém” ấy thì làm sao có thể phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, nếu không muốn nói là sự teo tóp từ thất vọng đã thấy rõ ở ngay... cổng khách sạn.

Lập lại trật tự, kỷ cương bằng các biện pháp kiên quyết là việc cần làm ngay. Không thể dung túng lối làm ăn “mượn gió bẻ măng”, “sống chết mặc bay” - chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt của riêng mình mà không hề coi trọng lợi ích của cộng đồng (trong đó có cả bản thân mình) vào ngày mai, ngày kia... Chẳng lẽ những giá trị cao đẹp mà Đà Nẵng đã gắng sức xây dựng và thu được không ít thành quả lại bị lối làm ăn tắc trách phá hỏng hay sao?
 

TÔ VĨNH HÀ
 

;
.
.
.
.
.