4.000 phiếu khảo sát được người dân trực tiếp đánh giá mức độ hài lòng của dịch vụ công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã cho những kết quả về thay đổi lớn trong cải cách thủ tục hành chính.
Số liệu được báo giới những ngày qua trích dẫn từ báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đã phản ánh những nỗ lực rất đáng ghi nhận để tạo ra một nền hành chính hiện đại và vì dân của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố. Khoảng 98% người dân hài lòng với dịch vụ công chứng, 90% với bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ trên 3 lĩnh vực đất đai, giấy phép kinh doanh và cấp phép xây dựng tại các quận, huyện; 74% cho dịch vụ khám bệnh; 81% hài lòng khi làm thủ tục nhập học vào lớp 1 và lớp 6.
Đặc biệt, trong khảo sát này có thêm Chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân (CSI) với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại bộ phận nhận và trả kết quả nhằm xếp hạng các quận, huyện. CSI đánh giá dựa trên các tiêu chí về mức độ thuận tiện, khả năng đáp ứng, chi phí sử dụng dịch vụ, cơ chế phản hồi, góp ý, khiếu nại, tố cáo… CSI không chỉ cho thấy bức tranh tổng quan về sự đánh giá của công dân đối với các cơ quan cung ứng dịch vụ mà còn cho thấy nguyên nhân tại sao quận, huyện mình chưa đạt được mức độ hài lòng của người dân. Từ những nguyên nhân này, chính quyền cơ sở cũng như chính quyền thành phố sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao CSI đối với dịch vụ hành chính công.
Thực tế minh chứng rằng, người dân không thờ ơ mà luôn sẵn lòng “cho ý kiến” với những cải cách hành chính theo hướng văn minh, hiện đại. Đây chính là những phản biện xã hội cần được thực hiện thường xuyên để chính quyền lắng nghe nhân dân. Đó là sự tiện lợi, bình đẳng trong cung cấp dịch vụ công. Người dân đã đóng thuế, nộp phí đầy đủ, không đi “xin” nên cán bộ, công chức càng không được tự cho mình cái quyền “cho” để rồi gây khó khăn, nhũng nhiễu. Bởi nền hành chính vì dân phải thật sự nỗ lực để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.
Với mục tiêu củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, tăng cường sự tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân, trong năm 2011, thành phố Đà Nẵng chính thức triển khai đồng loạt mô hình “Một cửa điện tử” tại các quận: Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Cẩm Lệ; và tháng 2-2012, huyện Hòa Vang cũng chính thức đưa vào sử dụng mô hình giao dịch hiện đại này sau thời gian thử nghiệm. Kết quả bước đầu cho thấy, công tác tiếp nhận và trả kết quả tại các địa phương đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu về tính hiện đại, văn minh, khoa học và kịp thời trong dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số người dân, nếu cải cách hành chính chỉ đối với cơ sở vật chất vẫn chưa đủ mà cán bộ phải sử dụng các điều kiện này để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Vì vậy, ở mỗi cơ quan liên quan phải thể hiện hết tinh thần trách nhiệm. Đó mới là tiêu chí cơ bản để nâng cao năng lực, làm trong sạch bộ máy hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để mô hình “Một cửa điện tử” đạt hiệu quả cao nhất, chính người dân cũng phải thay đổi nhận thức. Tâm lý chung của mọi người đều muốn đến tận nơi, gặp mặt trực tiếp để biết chính xác thông tin về hồ sơ của mình. Điều này gây ách tắc lớn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ của cán bộ chuyên trách vì phải tốn thời gian tiếp và giải thích... Vì vậy, người dân có thể thông qua trang web www.motcua.danang.gov.vn để biết về tình trạng giải quyết hồ sơ của mình. Chỉ tính riêng trong tháng 1-2012, dịch vụ công điện tử các địa phương tiếp nhận 3.759 hồ sơ, đã giải quyết 3.630 hồ sơ, đạt tỷ lệ 94,56% hồ sơ sớm và đúng hẹn.
Có thể thấy, để dân “chấm điểm” dịch vụ công không đơn giản chỉ biết được điểm số cao hay thấp mà từ thực tế đó, mỗi địa phương, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức cần nỗ lực hơn nữa để mang lại những thuận tiện tốt nhất cho người dân. Đây cũng là tiền đề để thành phố Đà Nẵng xây dựng thành công chính quyền điện tử trong thời gian tới.
VIỆT DŨNG